Số liệu tính đến 29/2, được chính phủ Australia công bố hôm 1/4. Con số này tăng 7,3% so với số liệu hồi tháng 9 năm ngoái với 664.000 sinh viên quốc tế - là kỷ lục khi đó.
Tiến sĩ Abul Rizvi, nguyên Thứ trưởng Bộ Di trú Australia, cho biết đây là "kỷ lục mọi thời đại". Tổng số người có thị thực tạm thời ở Australia hiện cũng cao nhất từ trước đến nay, với hơn 2,8 triệu người.
Dù số liệu được thống kê trước khi các chính sách siết thị thực ở Australia có hiệu lực (23/3), song ông Abul nhìn nhận chính phủ còn nhiều việc phải làm hơn nữa, để giảm số người nhập cư.
"Chính phủ theo đuổi chính sách di cư lâu dài nhưng Australia đang có số lượng di cư tạm thời cao nhất lịch sử", ông Albul nói.
Năm 2022, Australia đưa ra nhiều chính sách cởi mở nhằm thu hút lao động sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, làn sóng công nhân và sinh viên nước ngoài tràn vào đã tăng áp lực lên thị trường nhà ở.
Theo Cục Thống kê Australia, số người nhập cư ròng lên tới 548.800 vào tháng 9 năm ngoái, tăng hơn 30.000 so với ba tháng trước đó. Dân số Australia cũng tăng 2,5% lên 26,8 triệu người. Tất cả đều là mức tăng lớn nhất từ trước đến nay.
Nước này sau đó liên tiếp có động thái siết thị thực du học, như tăng yêu cầu chứng minh tài chính, cấm các trường cho sinh viên học khóa bổ sung khi chưa hoàn thành chương trình chính đủ sáu tháng, nhằm ngăn chặn việc chuyển đổi thị thực để đi làm.
Kể từ 23/3, người nộp đơn xin thị thực bậc đại học cần đạt IELTS 6.0 thay vì 5.5 như trước. Với bậc sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ), yêu cầu là 6.5, cũng tăng 0.5 điểm.
Ngoài ra, du học sinh phải làm bài kiểm tra The Genuine Student Test (Bài kiểm tra sinh viên chân chính - GST), thay thế cho bản tường trình nhập cảnh tạm thời (GTE) cũ, nhằm đảm bảo thị thực được sử dụng cho mục đích học tập.
Australia là một trong những điểm đến du học được ưa chuộng nhất thế giới, sau Mỹ và Canada. Trong số sinh viên quốc tế, đông nhất đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal.
Giáo dục quốc tế là lĩnh vực xuất khẩu lớn thứ tư của Australia, được định giá khoảng 50 tỷ USD vào năm ngoái.
Bình Minh (Theo The Guardian, ICEF, Financial Review)