Theo khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai năm 2024, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (thường được gọi tắt là sổ đỏ) là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.
Sự khác biệt giữa sổ đỏ có nhà và sổ đỏ không có nhà (nếu trên thực tế có nhà) chính là sự chứng nhận của nhà nước về tài sản trên đất. Nói cách khác, với sổ đỏ có nhà thì ngôi nhà trên đất đã được nhà nước xác nhận. Còn sổ đỏ không có nhà thì phần nhà chưa được nhà nước xác nhận. Sổ đỏ có nhà cũng đồng nghĩa ngôi nhà đó được xây dựng một cách hợp pháp, thuộc quyền sở hữu của chủ nhà.
Sổ đỏ không có nhà thì chưa có cơ sở xác định ngôi nhà đó có được xây dựng hợp pháp hay không, có vi phạm pháp luật hay không (không có giấy phép xây dựng, xây trên đất nông nghiệp...).
Theo khoản 1, 2 Điều 131 Luật Đất đai về nguyên tắc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý. Đối với tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng được đăng ký theo yêu cầu của chủ sở hữu.
Với quy định này, pháp luật không bắt buộc bạn phải đăng ký biến động (bổ sung) ngôi nhà vừa xây xong vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp bạn có nhu cầu thì làm hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết. Tương tự, sau này bạn phá dỡ ngôi nhà cũ và xây ngôi nhà mới thì bạn cũng có quyền lựa chọn đăng ký hoặc không đăng ký bổ sung ngồi nhà mới vào sổ đỏ, trừ trường hợp pháp luật tại thời điểm đó có quy định khác.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội