Tại huyện Chính Ninh, tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc, nơi anh Côn sinh sống, thu nhập bình quân đầu người năm ngoái chỉ hơn 20.000 nhân dân tệ (3.100 USD), đồng nghĩa Côn phải mất 15 năm để gom góp đủ tiền thách cưới cho gia đình bạn gái.
"Tôi đã hỏi người dân địa phương, họ cho biết chuyện này là bình thường. Tôi hy vọng các ngài có thể bãi bỏ hủ tục này", Côn viết trên mục "Thông điệp gửi các lãnh đạo" trên trang People của Trung Quốc.
Theo SCMP, tiền sính lễ là phong tục quan trọng và lâu đời ở Trung Quốc, trong đó nhà trai phải đưa cho gia đình cô dâu vì lý do "chuyển giao quyền kiểm soát cơ thể và sức lao động của phụ nữ".
Bất chấp những nỗ lực gần đây của Trung Quốc nhằm cải cách phong tục cưới văn minh, tiết kiệm, tiền sính lễ ngày càng cao đang trở thành lý do khiến nhiều người dân nước này ngại kết hôn, đặc biệt tại các vùng nông thôn, nơi tình trạng chênh lệch giới tính nghiêm trọng khiến nhiều đàn ông vẫn độc thân.
Giới chức Chính Ninh ngày 7/4 trả lời kiến nghị của Côn, cho biết họ đã áp mức trần sính lễ là 80.000 tệ (12.300 USD) đối với các gia đình nông thôn và 60.000 tệ (9.200 USD) đối với công chức.
"Tuy nhiên, điều chỉnh mức sính lễ là quá trình lâu dài và phức tạp, rất khó áp đặt bất kỳ quy định cứng nhắc nào", đại diện giới chức huyện Chính Ninh cho biết.
Bộ Nội vụ Trung Quốc năm 2021 đã chọn một số quận từ 32 thành phố trên khắp đất nước làm "khu vực thí điểm" cải cách đám cưới. Tại các quận này, tổ dân phố được yêu cầu xây dựng quy tắc riêng để kiểm soát khoản sính lễ cũng như chi phí đám cưới.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Dưỡng Hóa từ Trường xã hội học thuộc Đại học Vũ Hán chuyên nghiên cứu vùng nông thôn Trung Quốc, mô hình trên sẽ không hiệu quả chừng nào chênh lệch nam nữ ở vùng nông thôn tiếp tục duy trì ở mức cao.
"Chênh lệch giới tính sẽ đẩy tiền thách cưới lên cao", ông Dưỡng cho biết. "Khoản tiền này không nhất thiết được đưa ra dưới hình thức sính lễ, mà có thể bao gồm các khoản khác trong chi phí kết hôn".
Lý Quốc Phú, sống ở Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc, cho biết trong làng có rất nhiều "quang côn", những đàn ông độc thân không tìm được vợ do không đủ tiền trả sính lễ.
Ông Lý có ba con trai. Ông cho biết cần chuẩn bị hàng trăm nghìn tệ nếu muốn cả ba kết hôn với các cô gái địa phương có thu nhập trung bình. "Tôi không muốn các con trở thành quang côn, nên phải làm việc rất chăm chỉ", ông chia sẻ.
Tại Ninh Thiểm, huyện có dân số khoảng 70.000 người ở tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc, các vụ kiện liên quan đến tranh chấp sính lễ đã tăng từ 21 vụ năm 2019 lên 59 vụ năm ngoái.
Dương San San, thư ký tòa án huyện Ninh Thiểm, cho biết khoản sính lễ trung bình tăng đã từ 76.000 tệ (11.700 USD) lên 135.000 tệ (20.900 USD), lưu ý rằng hiện tượng này góp phần gây ra nhiều vấn đề trong xã hội.
"Từng có nhóm phụ nữ trẻ lợi dụng chuyện hôn nhân, bỏ trốn sau khi nhận khoản sính lễ lớn", ông Dương cho biết. "Cũng có trường hợp phụ nữ bị buôn bán từ nơi khác đến được gả bán cho đàn ông địa phương".
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tỷ lệ giới tính tại các vùng nông thôn nước này là 108 nam trên 100 nữ năm 2021. Toàn Trung Quốc có hơn 723 triệu nam giới, cao hơn 34 triệu người so với nữ giới.
Tư tưởng trọng nam khinh nữ từ xưa cùng chính sách một con trong nhiều thập kỷ qua được cho là những nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng nghiêm trọng ở Trung Quốc.
Đức Trung (Theo SCMP)