Thông tin được ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM nói tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn chiều 16/9. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thành phố ghi nhận hơn 315.000 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư và trải qua ngày thứ 25 siết chặt giãn cách theo nguyên tắc "ai ở đâu yên đó".
Theo ông Hải, trong ngày 15/9, thành phố ghi nhận 160 ca tử vong, thấp nhất trong gần một tháng qua, tính từ ngày 22/8 - trước thời điểm thành phố thực hiện tăng cường giãn cách. "Ngày 22/8 số ca tử vong do Covid-19 tại thành phố là 340, đến nay giảm còn 160. Điều này cho thấy số tử vong được kéo giảm rõ rệt, bằng thời điểm đầu tháng 8 ở mức 160-170 ca mỗi ngày", ông Hải nói.
Trong ngày 15/9, hơn 2.500 bệnh nhân Covid-19 xuất viện. Thành phố đang điều trị cho hơn 41.000 bệnh nhân, trong đó gần 3.000 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.544 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân phải can thiệp ECMO. Về tiêm vaccine, tổng số mũi đã tiêm đến ngày 15/9 là 8,45 triệu, trong đó gần 6,7 triệu đã tiêm mũi 1 và hơn 1,7 triệu người tiêm đủ 2 mũi.
Tại cuộc họp, trả lời về "lý do TP HCM xin rút ngắn thời gian tiêm 2 mũi vaccine AstraZeneca", Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Hoài Nam cho biết mỗi loại vaccine có thời gian tiêm 2 mũi khác nhau. Đa số dao động 3-4 tuần, riêng AstraZeneca là 8-12 tuần. Thời gian qua, thành phố đã thực hiện đúng yêu cầu của Bộ Y tế. Tuy nhiên, nhiều hướng dẫn cho thấy trong tình huống đặc biệt có thể rút ngắn thời gian tiêm của mũi 2 AstraZeneca xuống 6 tuần.
Theo lãnh đạo Sở Y tế thành phố, thời gian đầu của dịch, một số đơn vị đã áp dụng cách này. Ví dụ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, có trường hợp tiêm mũi 1 vào tháng 2, 6 tuần sau tiêm mũi 2 vẫn rất hiệu quả. "Đề xuất rút ngắn thời gian tiêm của 2 mũi AstraZeneca để giúp TP HCM nhanh chóng phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi nhằm đáp ứng miễn dịch nhanh nhất", ông Nam nói.
Về việc TP HCM giãn cách trong thời gian dài nhưng số ca nhiễm vẫn tăng, ông Nam cho biết do thành phố đang áp dụng "thần tốc" xét nghiệm. Trong đó, nhiều vùng nguy cơ cao đã xét nghiệm tới 7 - 8 vòng, "vùng xanh" hầu hết đã xét nghiệm 3 vòng, có nơi làm tới 4 vòng. Xét nghiệm tầm soát diện rộng khiến số ca nhiễm tiếp tục tăng nhưng hiện chỉ dao động 4.000 - 6.000 mỗi ngày.
Theo ông Nam, sau khi xét nghiệm, Sở Y tế thành phố nhận thấy tỷ lệ nhiễm giảm đáng kể. Cụ thể, đợt 1 từ 23/8 đến 27/8, tỷ lệ dương tính ở "vùng đỏ và cam" là 3,6%. Nhưng đến đợt 2 còn 2,7% và sau khi kết thúc đợt 3 chỉ còn 1,1%. "Tức là dù số tuyệt đối lớn nhưng tỷ lệ giảm rất đáng kể và số ca dương tính vẫn còn", ông Nam nói và cho biết sắp tới thành phố tiếp tục rà soát và làm đi làm lại tối thiểu 2-3 lần xét nghiệm nhằm bóc tách hoàn toàn F0 trong cộng đồng.
Hữu Công