Thông tin trên được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nói tại cuộc họp trực tuyến với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 sáng 17/7.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh từ 6h ngày 16/7 đến 6h ngày 17/7, thành phố ghi nhận hơn 2.800 ca dương tính, 81% nằm trong các khu cách ly, phong toả; 420 trường hợp được phát hiện qua khám sàng lọc ở các bệnh viện và tầm soát; 306 người đang thở máy; 8 trường hợp can thiệp ECMO.
"Chiều hôm qua, chúng tôi đã làm việc với Phó giám đốc Sở Y tế phụ trách điều trị để khẩn trương rà soát quy trình tiếp nhận F0, đặc biệt là quy trình chuyển ca F0 từ các khu cách ly tạm thời đến bệnh viện điều trị Covid-19", ông Phong nói và cho biết đang có thực tế việc tiếp nhận bệnh nhân bị chậm khiến bệnh trở nặng, thậm chí rất nặng.
Theo đó, thành phố đã yêu cầu xây dựng bản đồ các khu cách ly tạm thời ở các quận huyện, các bệnh viện dã chiến điều trị F0 không triệu chứng hoặc nhẹ, các bệnh viện điều trị F0 triệu chứng nặng và bệnh viện hồi sức tích cực. Đồng thời, ứng dụng để điều phối F0 và giao Trung tâm cấp cứu 115 của thành phố quản lý hệ thống nhằm kịp thời chuyển F0 tới các bệnh viện điều trị sớm nhất.
"Thực tế có một số bệnh viện không chịu nhận bệnh nhân trở nặng dưới quận huyện chuyển lên. Có những trường hợp phải nhờ Giám đốc Sở Y tế thành phố can thiệp mới tiếp nhận", ông Phong nói và cho biết thành phố đã yêu cầu các bệnh viện phải tiếp nhận các bệnh nhân nếu còn giường.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết có tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khu phong tỏa. Các hộ dân trong khu vực bị phong toả vẫn còn giao lưu với nhau. Vì vậy, thành phố đã yêu cầu các địa phương kiểm tra, giam sát, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Theo ông Phong, do số F0 tăng nhanh gây áp lực cho ngành y tế, thành phố đã thiết lập bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng với 1.000 giường tại TP Thủ Đức. Thành phố cũng đang có cơ sở điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới với 300 giường và Bệnh viện Chợ Rẫy với 300 giường.
Cùng với đó, Sở Y tế cũng ý kiến với TP HCM đề nghị Bộ Quốc phòng và báo cáo Chính phủ xin thiết lập thêm bệnh viện chữa trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại Bệnh viện 175. Bộ Quốc phòng cũng thống nhất chủ trương này.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói rằng dịch tại thành phố diễn biến phức tạp. Số ca F1, F0 ngày càng tăng, không chỉ ở nơi phong tỏa mà còn ở cộng đồng, khu công nghiệp đông công nhân. Nhiều cơ sở điều trị của thành phố đã có dấu hiệu quá tải, thiếu nhân lực, trang bị y tế dù nhận được nhiều sự ủng hộ tích cực của Bộ Y tế.
Từ đó, Bí thư Thành uỷ đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 có cơ chế mua và nhập nhanh nhất các trang thiết bị vì một số thiết bị trong nước không đủ cung ứng, nhất là khâu hồi sức cấp cứu.
Về việc thực hiện Chỉ thị 16, người đứng đầu Thành ủy TP HCM cho biết vẫn còn tình trạng tụ tập đông người khiến công tác phòng chống dịch khó kết thúc như thời gian đề ra. Do đó địa phương cần xử lý nghiêm khắc hơn, thậm chí cách chức và đề nghị cách chức người không chấp hành quy định, chỉ đạo phòng chống dịch.
Đến trưa 17/7, TP HCM đã ghi nhận 25.682 ca nhiễm; 12.773 người đang cách ly tập trung, 37.408 trường hợp đang cách ly tại nhà và nơi lưu trú. Đến hết ngày 15/7, thành phố ghi nhận 142 ca tử vong. Hai ngày trước đó, số này lần lượt là 130 và 119. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại TP HCM là 0,75%, cao hơn cả nước (0,55%), nhưng thấp hơn tỷ lệ của thế giới (trên 2%).
Hữu Công