Thuốc viên có tên gọi S-217622, dành cho người nhiễm bệnh giai đoạn đầu nhằm ngăn ngừa chuyển nặng, giảm các triệu chứng như sốt và ho. Liều dùng là một ngày một viên. Thuốc chặn đứng chức năng của một enzyme gọi là protease, làm chậm sự lây lan của virus trong cơ thể.
Dựa trên dữ liệu sơ bộ, Shionogi xác nhận "S-217622 - thuốc kháng virus ức chế chọn lọc 3CL protease, thể hiện hoạt tính kháng virus cao đối với biến chủng Omicron", tương tự các biến chủng khác. Các nhà khoa học sử dụng mẫu Omicron nhận được từ Viện Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản để nghiên cứu.
Trước đó, Shionogi đã thực hiện các cuộc thử nghiệm lâm sàng ở người bệnh không triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ. Thử nghiệm bắt đầu vào cuối tháng 9, đang ở giai đoạn cuối. Công ty có kế hoạch nộp đơn xin cấp phép tại Nhật Bản trong tháng này.
Shionogi hướng đến sản phẩm mà những người nhiễm nCoV nhẹ có thể sử dụng ngay tại nhà, ở giai đoạn đầu khi triệu chứng còn đơn giản. Thuốc tương tự Tamiflu cho bệnh cúm. Isao Teshirogi, Giám đốc điều hành của Shionogi, cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra loại thuốc an toàn như Tamiflu hay Xofluza". Theo ông, viên uống của Shionogi có thể vô hiệu hóa virus sau 5 ngày sử dụng.
Bên cạnh sản xuất thuốc, Shionogi đang phát triển vaccine Covid-19 và kiểm tra xem chúng có hiệu quả trên biến chủng Omicron. Trong trường hợp vaccine hiện có giảm tác dụng, công ty đã hoàn thành thiết kế kháng nguyên của vaccine chống Omicron, sẵn sàng điều chỉnh sản phẩm gốc trong tương lai.
Thông báo mới được Shionogi đưa ra sau khi Pfizer nộp đơn xin cấp phép thuốc viên điều trị Covid-19 Paxlovid tại Mỹ. Liệu trình bao gồm hai loại thuốc dành cho người triệu chứng nhẹ. Ngày 14/12, hãng công bố phân tích ban đầu cho thấy một trong hai loại thuốc (nirmatrelvir) có thể "ức chế mạnh mẽ 3CL protease liên kết với Omicron". Pfizer đã đồng ý bán cho Nhật Bản hai triệu liều Paxlovid.
Trước đó, hãng dược Merck cũng nộp đơn xin phê duyệt molnupiravir tại Nhật Bản. Thuốc dự kiến có hiệu quả trên bất cứ đột biến nào của nCoV, đủ khả năng chống Omicron.
Thục Linh (Theo Nikkei)