Bệnh viện Nhân dân 115 là cơ sở y tế đầu tiên tại TP HCM thành lập trung tâm đột quỵ và là trung tâm đột quỵ duy nhất hiện nay tại thành phố. Bác sĩ Phạm Nguyên Bình, Tổng thư ký Hội Đột quỵ TP HCM, cho biết số bệnh nhân điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115 tăng cao hàng năm. Năm 2005, trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 trường hợp. Năm 2019 có gần 14.000 bệnh nhân được điều trị tại đây, trung bình mỗi tháng tiếp nhận hơn 1.150 ca. Năm 2020, trung tâm tiếp nhận hơn 60% trong tổng số bệnh nhân đột quỵ do Trung tâm Cấp cứu 115 chuyển tới.
Đột quỵ là bệnh lý phổ biến, gây tử vong hàng đầu. Trên thế giới, cứ hai giây lại có một người đột quỵ, mỗi 6 giây có một người tử vong. Bên cạnh nguy cơ tử vong, gánh nặng chi phí y tế cũng đè nặng người bệnh nếu họ bị di chứng tàn tật suốt đời.
"Ở Việt Nam, trung bình cứ 6 người trong chúng ta sẽ có một người bị đột quỵ", bác sĩ Bình nhấn mạnh.
85% người bị đột quỵ ở thể nhồi máu não do tắc mạch máu; 15% còn lại xuất huyết não do vỡ mạch máu. Mỗi một phút não thiếu máu trôi qua, có hai triệu tế bào não chết đi, không thể phục hồi. Do đó điều kiện tiên quyết để cứu người đột quỵ là xử trí cấp cứu càng sớm càng tốt, thường gọi là trong thời gian vàng khởi phát đột quỵ là 4,5-6-24 giờ, tùy từng trường hợp. Mỗi 15 phút được rút ngắn trong quá trình trị liệu sẽ giảm 4% nguy cơ tử vong và tăng 4% cơ hội sống cho bệnh nhân đột quỵ.
TP HCM những năm qua đã tập trung đầu tư dịch vụ cấp cứu người đột quỵ, mục tiêu cứu sống bệnh nhân trong thời gian vàng và giảm di chứng.
Từ cuối năm 2020, mạng lưới cấp cứu đột quỵ chuyên biệt tại TP HCM do Hội đột quỵ thành phố phối hợp Trung tâm Cấp cứu 115 vận hành, bắt đầu hoạt động. Ngày 6/4, tại Hội nghị giao ban mạng lưới trạm vệ tinh quý 1, bác sĩ Lê Huy Nguyễn Tuấn, phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế, cho biết, tính đến tháng 4/2020, bản đồ mạng lưới đột quỵ tại TP HCM đã có 27 cơ sở, gồm một trung tâm, 18 đơn vị và 8 đội đột quỵ đặt tại các bệnh viện.
Tuy nhiên, hiện nay chưa bệnh viện nào trong thành phố có khoa đột quỵ. Do đó, Sở Y tế dự định nâng cấp hai đơn vị tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (90 giường) và Nguyễn Tri Phương (65 giường) thành khoa đột quỵ. Ngoài ra, 5 bệnh viện gồm Nhân dân Gia Định, Đại học Y dược, Gia An 115, TP Thủ Đức, Đa khoa khu vực Thủ Đức đều có quy mô trên 20 giường điều trị đột quỵ, sẽ chuyển đổi mô hình từ đơn vị lên khoa đột quỵ.
Mục tiêu 2025 của ngành y tế thành phố là tất cả các bệnh viện đa khoa hạng 1 có khoa đột quỵ và các bệnh viện đa khoa còn lại có đơn vị đột quỵ. Đặc biệt là khu vực nam Sài Gòn, xa trung tâm thành phố (ba huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) sẽ sớm được mạng lưới đột quỵ "phủ sóng", bác sĩ Tuấn thông tin.
Riêng Trung tâm Cấp cứu 115 được Sở Y tế đánh giá là "bộ phận không thể thiếu" của mạng lưới cấp cứu đột quỵ. Lý do là cấp cứu ngoại viện càng chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động của mạng lưới đột quỵ càng tăng lên, nhất là vai trò của nhân viên cấp cứu. Họ sẽ đánh giá nhanh, phân loại, xử trí cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân đột quỵ, sau đó điều phối, thông báo tình trạng bệnh, vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế phù hợp.
Sở Y tế đang đặt mục tiêu điều trị dưới 60 phút cho bệnh nhân đột quỵ, bao gồm toàn bộ quá trình, từ khi 115 tiếp cận người bệnh tại hiện trường, xử trí ban đầu, vận chuyển, cho đến khi có chỉ định can thiệp tại bệnh viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Long, giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, trung tâm đã có 38 trạm cấp cứu vệ tinh, phân bố khắp 24 quận, huyện, sẵn sàng tiếp cận, điều phối, vận chuyển bệnh nhân đột quỵ tới bệnh viện nhanh nhất. Nhân viên cấp cứu ngoại viện được đào tạo chuyên sâu kỹ năng, chuyên môn nhận biết, xử trí đột quỵ.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu phân loại xe cứu thương theo từng nhóm bệnh. Như xe cấp cứu bệnh nhân đột quỵ phải được trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, để có thể can thiệp đột quỵ ngay trên xe, rút ngắn tối đa thời gian não thiếu máu. Ngoài các phương tiện cấp cứu như ô tô, mô tô, ngành y tế còn mong muốn mở rộng với trực thăng.
Thư Anh