Hoa Cường Bắc (Huaqiangbei) được xem là chợ điện tử lớn nhất thế giới, nơi khách hàng có thể tìm thấy smartphone từ các thương hiệu nổi tiếng như Apple, Huawei, Xiaomi và Oppo hoặc có thể tự mua linh kiện về lắp ráp thành một chiếc máy hoàn chỉnh. Bên cạnh các thiết bị cũ đã được tân trang, nơi đây còn bán các loại máy mới 100% với mức giá rẻ hơn vài trăm nhân dân tệ so với niêm yết ngoài thị trường nhờ các chính sách liên quan đến nhập sỉ.
Tuy vậy, giới bán buôn gần đây thừa nhận họ không thể kiếm lời từ điện thoại Huawei do các hạn chế mà Mỹ đưa ra với công ty này. "Nhìn chung, giá mỗi mẫu smartphone Huawei đã tăng 100 đến 300 nhân dân tệ (15 đến 45 USD) do nguồn cung không dồi dào như trước", một dân buôn tên Wang tiết lộ. "Giờ đây, khoảng cách về giá cả giữa giá niêm yết và giá bán buôn đã bị thu hẹp đáng kể. Chúng tôi không thể thu được nhiều lợi nhuận từ việc bán điện thoại Huawei nữa".
Bốn đại lý phân phối điện thoại khác tại Hoa Cường Bắc cũng thừa nhận, giá của hầu hết điện thoại Huawei đang tăng lên từng ngày. "Lý do rất đơn giản, Huawei không thể tạo ra được chip riêng cho thiết bị của mình nữa", Lu Jinwei, chủ một đại lý bán điện thoại, lý giải.
Trong khi đó, giá smartphone Huawei tại các cửa hàng chính hãng không thay đổi. Một nhân viên bán hàng của Huawei tại Thâm Quyến cho biết, anh chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về các đợt tăng giá thiết bị.
Huawei đang phải chịu hàng loạt hạn chế từ chính phủ Mỹ. Gần đây nhất, công ty đã bị chính quyền Tổng thống Donald Trump siết chặt lệnh cấm, hạn chế công ty này tiếp cận công nghệ chip qua bên thứ ba.
Richard Yu, Giám đốc mảng Kinh doanh Tiêu dùng của Huawei, tháng trước cũng thừa nhận rằng, các lệnh trừng phạt có thể khiến công ty "chịu tổn thất lớn". Thậm chí, hãng có thể phải "khai tử" mảng sản xuất chip di động do bị Mỹ siết chặt.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp gần đây với nhân viên mới, CEO Huawei, Guo Ping, vẫn lạc quan về tương lai của công ty. "Huawei đang trong tình trạng bình thường", Ping nói. "Vấn đề chỉ là khi đối mặt với những hạn chế sử dụng linh kiện tiên tiến, chúng ta phải tìm cách để vượt qua trở ngại này, đồng thời thiết lập năng lực công nghệ tự chủ lâu dài, cũng như chuỗi cung ứng ổn định và đáng tin cậy".
Cũng theo Ping, những hạn chế của Mỹ ở mảng bán dẫn có thể gây ra một số khó khăn nhất định đến chip Kirin, tác động đến việc sản xuất smartphone cao cấp của Huawei. Tuy nhiên, ông tin rằng công ty sẽ có cách để giải quyết, trong đó tiếp tục đầu tư vào công ty thiết kế chip bán dẫn HiSilicon, cũng như hợp tác với các doanh nghiệp khác để xây dựng hệ thống cung ứng tự chủ và khép kín, không phụ thuộc công nghệ Mỹ.
"Là một công ty có giá trị hàng tỷ USD, Huawei sẽ không mắc sai lầm chiến thuật. Mỹ không thể đánh bại Huawei, chỉ có Huawei mới có thể đánh bại chính mình", Ping nhấn mạnh. Dù vậy, ông cũng thừa nhận rằng nếu những khó khăn hiện tại không được xử lý tốt, công ty sẽ "thất bại".
Bảo Lâm (theo SCMP)