Sinh ra trên quê hương chứa chan tình người, thanh bình, yên tĩnh, cuộc sống không bị xô bồ, không phải chạy đua với thời gian. Mỗi người bạn, hàng xóm đều sống với nhau bằng tình thân. Đối lập với tình cảm tràn đầy đó là cuộc sống nơi đây gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng – xã hội, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức trung bình chung. Xuống ruộng lên nương hàng mấy tháng trời mới cho thu hoạch, may mắn nếu thiên nhiên ưu ái thì đủ ăn. Còn không, nếu gặp hạn hán hay thời tiết khắc nghiệt thì mọi công sức cần cù của người dân lại phải "biếu không" cho trời đất.
Vậy nên, từ khi sinh ra và lớn lên, với tôi và những người dân quên, chiếc điện thoại di động là thứ gì đó xa xỉ và có thể nói chỉ nhìn thấy trong... phim. Nhà nào khá giả thì sắm được máy bàn, một nhà có cả làng dùng nhờ. Khi ấy, thi thoảng có ai đó ở phố về với điện thoại trên tay là chúng tôi - cả bầy trẻ chăn trâu xúm quanh để xem "vật thể lạ" đó.
Ngày tháng trôi qua, và rồi một ngày cuối cấp 3, "vật thể lạ" ngày nào giờ tôi đã có thể cầm, nắm và sử dụng nó - chiếc Nokia 1100i mượn từ đứa bạn thân mà nó được bà chị đi làm ăn trong Nam mua cho. Từ khi mượn được con "dế" đó, tôi vô cùng vui, thích và hớn hở mỗi khi nó đổ chuông. Tôi nâng niu và rất cẩn thận mỗi khi dùng vì một phần là của người khác, phần vì biết nó là thứ giá trị mà ít đứa bạn hay người dân trong làng có.
Còn nhớ hồi đó Viettel có chương trình khuyến mãi nghe được cộng tiền (100 hay 200 đồng gì đó, tôi không nhớ rõ). Nhà quê không hiểu rõ chương trình nên tôi tưởng rằng cứ nghe là được cộng tiền, vậy là cứ thể gọi đến tổng đài, hết 900 đến 18008198... chỉ để mong kiếm được 100-200 đồng/phút. Cũng vì khi đó, với điều kiện ở quê, may ra cả tháng được 1-2 lần nạp tiền và mỗi lần thì chỉ là những cái thẻ 10.000 hay 20.000 là cùng, nên càng siêng gọi tổng đài hơn.
Rồi mỗi khi đi làm phụ giúp gia đình, những buổi được nghỉ học, chăn trâu, cắt cỏ, tôi vẫn luôn vọc hết mọi chức năng của nó, chơi rắn, đánh bi-a... và lại gọi đến tổng đài để "nghe miễn phí được nhận tiền". Lâu lâu, tôi lại mở nhật ký cuộc gọi ra xem được nhiều thời gian chưa. Miệng cười toe toét khi mà thời gian cứ tăng dần, tăng dần. Sang những ngày đầu tháng mới, tôi cứ chờ mãi để "lãnh lương". Tôi giật mình hỏi "Tại sao mình nghe nhiều vậy mà được cộng chỉ vài nghìn thế này?" Và rồi câu hỏi đó đã được nhân viên tổng đài trả lời, tôi mới vỡ lẽ, chỉ nghe những cuộc gọi đến mới được hưởng tiền.
Đó là kỷ niệm về chiếc điện thoại đầu tiên mà tôi sử dụng. Rồi tôi chính thức được sở hữu chiếc điện thoại đầu tiên, Samsung SGH-X510, màn hình màu và đa chức năng hơn, đó là phần thưởng mà bố dành cho khi tôi đỗ đại học năm 2007. Tôi biết rằng, bố đã rất thương tôi và muốn cho tôi bằng bạn bằng bè khi đó. Có lẽ, bố đã thấy rất nhiều người có điện thoại quay phim, nghe nhạc khi đưa tôi ra thủ đô nhập học. Và cũng muốn quản lý con cái tốt hơn, nên bố đã dành dụm để mua cho tôi chiếc điện thoại này sau vài tuần là sinh viên.
Trước đó, khi mới nhập học, tôi vẫn trắng tay, chưa có điện thoại. Mỗi lần muốn gọi điện về nhà (hàng xóm) để gặp bố mẹ đều phải ra bưu điện. Còn gia đình muốn gọi điện cho tôi phải gọi qua điện thoại ký túc xá. Vào một buổi trưa cuối tuần, nhận được điện thoại bố gọi, hỏi có cần điện thoại không về quê bố mua cho, tôi cũng ngần ngại vì biết hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhưng sau một hồi trò chuyện với bố, tôi đã gật đầu. Ngay chiều hôm đó, tôi khoác balô lên đường về quê. Sáng hôm sau, bố chở tôi ra thị trấn, khi đó ở huyện mới chỉ có ít cửa hàng và chủ yếu là điện thoại Tàu, mà tôi lại không thích hàng này. Hai bố con lượn loanh quanh qua hầu hết cửa hàng điện thoại nơi đây, cuối cùng, tôi cũng ưng ý với chiếc Samsung SGH-X510 trên.
Sau khi về quê "tậu" điện thoại, tôi trở lại Hà Nội để tiếp tục công việc học tập của mình. Và từ đó đỡ được khoản phải ra bưu điện để gọi về nhà và gia đình gọi cho tôi cũng thuận tiện hơn.
Như đã nói ở đầu bài, trên đây chỉ là đôi dòng kỷ niệm viết vội của tôi về lần đầu tiên được dùng điện thoại, muốn chia sẻ cùng mọi người. Tôi chưa có điều kiện để sử dụng smartphone nên lẽ đương nhiên không viết về nó, mặc dù đã ra trường và đi làm nhưng với đồng lương ít ỏi. Nếu Ban biên tập thấy nó không phù hợp với chương trình này hay không đúng với thể lệ có thể hủy bỏ. Xin cảm ơn và chúc sức khỏe đến Ban biên tập, Ban tổ chức chương trình và tất cả mọi người.
Anh Thái