Dự án Vsmart mới bắt đầu được nghiên cứu từ cách đây vài tháng và Vingroup mới đang làm việc với các đơn vị tư vấn thiết kế để đề xuất phương án và lựa chọn các mẫu trước khi công bố sản phẩm.
Để sản xuất điện thoại, tập đoàn đang làm việc với các công ty tư vấn hàng đầu thế giới để thuê tư vấn thiết kế, tìm kiếm chuyên gia giỏi, mua các bản quyền thiết kế và các cấu phần của điện thoại thông minh, đặc biệt là tiến hành mua dây chuyền thiết bị để sản xuất điện thoại.
"Cũng giống như VinFast, chúng tôi sẽ bắt đầu bằng việc tự sản xuất một số bộ phận, hoặc với những cấu kiện mà các hãng hàng đầu thế giới cũng phải mua từ các đối tác thì chúng tôi cũng sẽ mua của họ. Phần còn lại chúng tôi sẽ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để đầu tư sản xuất tại Việt Nam, dần dần sẽ nâng được tỷ lệ nội địa hóa lên", Vingroup chia sẻ.
Ngày 12/6, Vingroup tuyên bố sẽ sản xuất các thiết bị điện tử, khởi điểm là điện thoại thông minh mang thương hiệu Vsmart. Thông tin này nhanh chóng làm nổ ra những tranh cãi lớn trên mạng xã hội.
Thành viên Đinh Nam đánh giá trên Facebook: "Thị trường smartphone hiện cạnh tranh rất gay gắt ở mọi phân khúc, thậm chí là đang bão hòa. Thực tế một số thương hiệu điện thoại Việt tỏ ra đuối sức trước cuộc đua này. Thách thức với Vsmart không hề nhỏ, nhưng tôi vẫn kỳ vọng với tiềm lực của mình, Vingroup sẽ tạo ra được sản phẩm phù hợp với người Việt, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, ít nhất là trong nước".
Đại diện Vingroup cũng thừa nhận "đúng là trên thị trường smartphone, cung và cầu đã gần như nhau" nhưng cho rằng sẽ luôn có sự dịch chuyển về nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, lý do tập đoàn sản xuất điện thoại là vì muốn đầu tư và tham gia mạnh mẽ vào cuộc cách mạng công nghiệp của thế giới, góp phần mang đến cơ hội cho Việt nam xuất hiện trên bản đồ công nghiệp thế giới "nếu chúng ta quyết tâm và dồn hết sức mình vào việc này".
Anh Hoài An, một người làm việc trong lĩnh vực di động nhiều năm, cho biết thực tế, nhiều hãng có tiềm lực tài chính "khủng" cũng chưa đảm bảo thành công, do đó, Vingroup phải nỗ lực rất lớn để có thể tạo được vị trí nhất định trên thị trường.
"Luôn có một chỗ đứng lớn cho thương hiệu nội địa ở bất cứ quốc gia nào, tuy nhiên thành công hay không đòi hỏi nhiều việc làm đúng đồng thời. Trước tiên phải có một sản phẩm dùng được, ổn định và xứng đáng với tầm giá. Sau đó là chế độ hậu mãi để xử lý các tình huống về kỹ thuật nếu có xảy ra để có thể cập nhật kịp thời, rồi tới hệ thống phân phối, quảng bá - phần không khó đối với Vingroup", chuyên gia Trần Mạnh Hiệp nhận định. "Cần các kỹ sư giỏi thực sự để có thể làm hệ điều hành mềm chạy ổn định trên nền tảng phần cứng. Việc này Vingroup có thể làm việc với Qualcomm, Mediatek là các đối tác cung cấp phần cứng hay Google là đối tác phần mềm, nhưng tốt nhất không nên tuỳ biến nhiều".