Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang muốn bán vốn tại Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec). Động thái này là một trong các nỗ lực tự thân của hãng để phần nào khắc phục những khó khăn tài chính như âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế hàng chục nghìn tỷ đồng.
Skypec có vốn điều lệ 800 tỷ đồng, do Vietnam Airlines sở hữu toàn bộ. Tổng giám đốc hãng hàng không quốc gia Lê Hồng Hà cũng là chủ tịch HĐQT tại công ty kinh doanh nhiên liệu bay này.
Hiện tại, Skypec được đánh giá công ty có hiệu quả hàng đầu trong hệ sinh thái Vietnam Airlines. Theo nguồn tin của VnExpress, thương vụ thoái vốn tại "con gà đẻ trứng vàng" này của Vietnam Airlines đã có một số nhà đầu tư trong nước quan tâm.
Trước khi có sự xuất hiện của Petrolimex Aviation năm 2008, Skypec gần như độc quyền cung cấp nhiên liệu tại các sân bay Việt Nam. Đến nay, Skypec cùng Petrolimex là hai nhà bán chính tại thị trường trong nước, nhưng Skypec vẫn nắm thị phần lớn hơn.
Doanh nghiệp này có mạng lưới ở 18 cảng hàng không trong nước với hệ thống kho có sức chứa 210.000 m3. Công ty con của Vietnam Airlines cũng có hoạt động tại 4 sân bay lớn ở Hàn Quốc. Ngoài cung cấp cho các hãng bay nội địa, Skypec còn bán nhiên liệu bay cho gần 100 hãng hàng không nước ngoài đang khai thác tại Việt Nam.
Nhờ nắm thị phần lớn, sản lượng, doanh thu của Skypec cũng tăng trưởng đồng tốc với sự phát triển của thị trường hàng không những năm trước dịch. Giai đoạn 2017-2019, doanh thu của Skypec lần lượt đạt hơn 20.700 tỷ, 29.190 tỷ và xấp xỉ 29.400 tỷ đồng.
Năm 2019, Skypec bán ra thị trường hơn 1,8 triệu m3 nhiên liệu, phục vụ hơn 226.000 chuyến bay, nhiều hơn đối thủ Petrolimex Aviation gần nửa triệu m3. Năm đó cũng là đỉnh lợi nhuận của công ty với khoản lãi trước thuế hơn 650 tỷ đồng. Nhờ vậy, lợi nhuận được chia về cho Vietnam Airlines khoảng 495 tỷ đồng. Hai năm liền trước, Skypec lãi 321 tỷ và 392 tỷ đồng.
Đến khi bị dịch bệnh ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh của Skypec đi xuống, nhưng còn khá hơn so với nhiều doanh nghiệp phụ trợ khác cùng ngành hàng không khi vẫn có lãi. Năm 2020, với sản lượng hơn 0,9 triệu m3, Skypec ghi nhận doanh thu 11.200 tỷ, lãi trước thuế 31 tỷ đồng.
Năm 2021, công ty bán ra thị trường ít nhiên liệu bay hơn, chỉ khoảng 0,65 triệu m3, nhưng lợi nhuận lại tăng lên hơn 100 tỷ đồng. Công ty giải thích nhờ đã thực hiện tiết kiệm chi phí và tối ưu quản lý hàng tồn kho. Trong khi đó, một số công ty cũng có vốn góp của Vietnam Airlines như Nasco lỗ 128 tỷ, NCS lỗ 76 tỷ, VACS lỗ 54 tỷ. Doanh thu năm 2021 của Skypec cũng tương đương hơn 30% doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines chưa công bố chi tiết kết quả kinh doanh của Skypec năm ngoái. Tuy nhiên, tại một hội nghị đầu năm nay, lãnh đạo Skypec cho biết sản lượng, lợi nhuận lần lượt đạt 101% và xấp xỉ 180% kế hoạch cả năm 2022. Như vậy, công ty này có thể lãi gần 180 tỷ đồng, bởi đầu năm 2022, Skypec đã đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng.
Dù không bán nhiều bằng Skypec, hiệu quả kinh doanh của Petrolimex Aviation (PA) lại có phần nhỉnh hơn. Giai đoạn 2017-2021, sản lượng tiêu thụ của PA kém Skypec, nhưng lãi trước thuế đều cao hơn hàng chục tỷ đồng, ngoại trừ năm 2020 nhiều hơn 9 tỷ. Tương tự Skypec, năm 2019 cũng là đỉnh lợi nhuận của PA với 846 tỷ đồng.
Tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), PA được đánh giá là "ngôi sao sáng" trong số các công ty con của tập đoàn này. Petrolimex đang nắm 59% vốn tại PA.
PA đang bán xăng Jet A1 tại 6 cảng hàng không nội địa, trong đó có Tân Sơn Nhất, Nội Bài cho 50 hãng bay. Tuy nhiên, công ty này vượt trội Skypec ở thị trường nước ngoài. Theo báo cáo thường niên 2021, Petrolimex Aviation cung cấp dịch vụ ở hơn 70 sân bay quốc tế.
Bên cạnh Skypec, PA, thị trường kinh doanh nhiên liệu bay trong nước còn có Công ty cổ phần thương mại xăng dầu Tân Sơn Nhất (Tapetco), do Sasco nắm 38% cổ phần và Công ty cổ phần dịch vụ nhiên liệu hàng không Nội Bài (NAFSC). Tuy nhiên, sản lượng cung ứng của cả hai đơn vị này khá thấp so với hai ông lớn kể trên.
Anh Tú