Mấy ngày gần đây, nhiều người nắm giữ vàng miếng một chữ (seri có một ký tự chữ nằm trước dãy số, được sản xuất trước năm 1996) lo lắng vì Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tạm ngưng mua vào.
Một nữ khách hàng ở quận Phú Nhuận (TP HCM) nói cuối tuần trước, chị mang hai lượng vàng miếng ra cửa hàng SJC Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) để bán nhưng bị từ chối. Nhân viên tại đây cho biết do vàng của chị là loại một chữ và công ty đang chủ trương dừng mua loại này.
"Đến hôm nay, tôi mới biết SJC có hai loại khác nhau. Vàng của tôi chẳng qua chỉ là loại cũ, dập theo mẫu trước đây, nhưng nó vẫn là vàng do chính SJC bán ra, sao lại phân biệt như thế", chị thắc mắc.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với vàng miếng hai chữ (seri gồm hai chữ trước dãy số, được gia công sau này) nhưng bị móp méo.
Anh Thanh (quận 4, TP HCM) chiều nay gọi đến tổng đài một cửa hàng SJC để hỏi bán một lượng vàng hai chữ bị móp méo, nhưng nhân viên cho biết công ty cũng đang tạm dừng mua loại này. Khi được hỏi về thời điểm thu mua trở lại, người này nói không rõ và bảo khách hàng đợi thêm.
Không chỉ SJC, một số doanh nghiệp khác như PNJ hiện cũng không thu mua vàng một chữ. Còn loại hai chữ bị móp méo, công ty nói tùy thẩm định thực tế tại cửa hàng mới quyết định mua lại hay không
Lý giải nguyên nhân từ chối giao dịch, một nhân viên tại SJC Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, cho biết do công ty còn tồn kho khoảng 1.000 lượng vàng đã thu mua trong hai tháng qua. Hiện SJC chưa được Ngân hàng Nhà nước cho mở xưởng gia công, dập lại vàng.
"Lượng vàng miếng tồn kho trên cũng không được bán ra thị trường. Do đó, khi nào xử lý hết số tồn kho trên, công ty mới có thể thu mua vàng từ người dân như thường lệ", người này nói.
Một lãnh đạo của SJC cho biết trước đây khi thu đủ khoảng 1.000 lượng, công ty sẽ xin Ngân hàng Nhà nước gia công rồi sau đó cho giao dịch trở lại thị trường. Nhưng hiện nay lượng tồn kho đã vượt 1.000 lượng mà chưa được cấp quota dập vàng nên công ty phải tạm dừng thu mua các loại này.
"Chúng tôi hiểu khách hàng chịu thiệt thòi. Nhưng bản thân doanh nghiệp cũng không rõ chủ trương nên nếu làm liều mua vào nhiều sẽ gặp rủi ro", đại diện này phân trần.
Trong cuộc họp báo hồi giữa tháng 5, bà Lê Thúy Hằng - Tổng giám đốc SJC - nói theo Nghị định 24, công ty không được dập vàng miếng từ vàng nguyên liệu. Toàn bộ khuôn dập được giao về Ngân hàng Nhà nước quản lý. Doanh nghiệp này chỉ được dập lại vàng móp méo theo hạn ngạch được cấp hằng năm. Lãnh đạo SJC cũng nhiều lần cho biết việc xử lý vàng móp được Ngân hàng Nhà nước quản chặt chẽ trong tất cả khâu, cử tổ giám sát đến đối chiếu trước khi SJC mở khuôn để dập vàng móp.
Đây không phải lần đầu SJC ngưng mua vàng móp méo, một chữ. Tình trạng này đã từng xảy ra trong các năm 2012, 2015 và 2016. Lúc đó, ngoài lý do chưa có hạn mức gia công, đơn vị này cũng cho biết thị trường có sự phân biệt giữa hai loại vàng miếng loại một chữ và hai chữ. Các dòng sản phẩm một chữ không được người tiêu dùng quan tâm, chỉ bán và không mua. Các hàng vàng cũng từ chối nên chỉ có SJC thu mua và gia công lại thành vàng miếng loại hai chữ. Khi đó, SJC cũng cho biết nếu không được cấp hạn mức, lượng hàng tồn kho lớn sẽ gây mất cân đối vốn và có khả năng dẫn đến nhiều rủi ro.
Nói với VnExpress, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, cho rằng vàng miếng một chữ cũng được dập ra từ đúng nguyên liệu như vàng hai chữ, nhưng do sản xuất từ lâu khiến nhiều người nghĩ rằng hữu hạn.
"Vấn đề là Ngân hàng Nhà nước khó nắm chắc có bao nhiêu lượng vàng một chữ để cấp hạn mức dập lại cho Công ty SJC", ông nói. Vì thế, chuyên gia này nêu cách giải quyết là cơ quan quản lý tiền tệ nên cho SJC hạn ngạch để dập lại, nhưng theo số lượng định mức trên đầu người. Ông Hải gợi ý nên ưu tiên cho ai còn giữ hoá đơn thời điểm mua vàng một chữ.
Năm 2012, Nghị định 24 ra đời nhằm xử lý dứt điểm tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế. Kể từ đó, Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, chọn SJC - đơn vị chiếm trên 90% thị phần vàng miếng - làm thương hiệu quốc gia. Từ 9 thương hiệu vàng miếng được cấp phép, thị trường chỉ còn một loại hợp pháp duy nhất đến ngày nay.
Giới phân tích cho rằng Nghị định 24 đã có nhiều kết quả trong việc ổn định thị trường vàng, tuy nhiên qua thời gian dài, bộc lộ một số bất cập. Do đó, cơ quan quản lý cần sửa đổi Nghị định 24, trong đó có tính đến phương án bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Ngân hàng Nhà nước vẫn nắm quyền chủ động điều tiết thị trường vàng thông qua việc cấp hạn mức sản xuất cho các doanh nghiệp, căn cứ trên mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.
Minh Sơn - Tất Đạt