Trao đổi với VnExpress.net chiều nay, đại diện Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC cho biết máy móc thiết bị gia công vàng miếng của công ty đã thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước sau Nghị định 24 có từ ngày 25/5. Đây là lý do công ty này không thể gia công các miếng vàng SJC móp méo và có thu mua vào cũng chỉ cất vào kho.
Theo vị đại diện này, tại thời điểm đó, để gỡ khó cho người dân, Hội đồng thành viên SJC đã quyết định thành lập quỹ tiền 200 tỷ đồng (vay từ ngân hàng) dùng để thu mua vàng miếng cong vênh từ thị trường.
SJC lại ngưng mua vàng SJC móp méo. Ảnh: Thanh Bình |
Tuy nhiên, đến hôm qua (13/8), số tiền 200 tỷ đồng này đã hết sạch. SJC cho biết lượng vàng méo tồn trong kho đã lên tới 5.000 lượng. Lãi vay ngân hàng vẫn phải trả, trong khi Ngân hàng Nhà nước chưa cho phép gia công số vàng méo này thành vàng bình thường để bán cho khách. "Do đó, chúng tôi không thể nào mua thêm, bởi mua những miếng vàng này nhiều đồng nghĩa với việc vốn bị găm giữ và không có đầu ra, trong khi quỹ tiền của SJC đã hết", vị đại diện của SJC cho biết. Đây là lần thứ 2 SJC ngừng mua vàng móp méo sau động thái lần đầu vào tháng 6.
Nói về khả năng mua lại vàng móp méo, theo đại diện SJC, công ty chỉ mua lại khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép gia công số vàng miếng móp méo trên. Trước sự "bế tắc" của doanh nghiệp, đại diện Công ty SJC cho biết đã liên tục gửi kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước xin phép được dập lại những loại vàng miếng bị móp, méo đúng với số sêri của miếng vàng cũ. "Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi nào", ông chia sẻ.
Đại diện của chi nhánh SJC Miền Bắc tại Hà Nội cho biết cũng đang trong tình cảnh tương tự công ty mẹ trong TP HCM, chi nhánh này hiện đã ngừng thu mua vàng SJC cong vênh, móp méo từ hôm qua. Trước đó, SJC Miền Bắc, đại diện duy nhất của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn tại Hà Nội vẫn thu mua vàng miếng móp méo do dân mang đến bán, với mức phí 100.000 đồng mỗi lượng. Còn những người mang vàng méo đến đổi lấy miếng vàng bình thường phải chịu mức phí 270.000 đồng.
"Từ hôm Chủ nhật trở về trước, mỗi ngày số lượng vàng móp méo chúng tôi thu đổi có thể lên đến vài trăm lượng. Còn sắp tới việc thu mua trở lại như thế nào phụ thuộc vào chính sách của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn", đại diện của SJC Miền Bắc nói.
Ngoài ra, các nhà phân phối lớn như DOJI đã họp khẩn cấp để tìm ra giải pháp sau quyết định của SJC Sài Gòn. DOJI cho biết trong số các giải pháp được đưa ra, có thể họ phải tăng phí thu đổi, vốn đang ở mức 300.000 đồng mỗi lượng.
Hiện nay mỗi ngày DOJI mua vào khoảng vài chục đến cả trăm cây vàng móp méo. Nếu SJC Sài Gòn không thu mua số vàng trên, DOJI sẽ phải tìm cách giải phóng hàng tồn như gia công thành trang sức. Thông thường, để sản xuất trang sức, DOJI mua vàng nguyên liệu hoặc vàng các thương hiệu khác như AAA, Bảo Tín với mức chênh rẻ hơn SJC 1,5 đến 1,6 triệu đồng.
"Mức phí 300.000 đồng có thể cao hơn các doanh nghiệp khác, nhưng nếu dùng vàng cong vênh đó để sản xuất trang sức thì chúng tôi đã lỗ đến 1,2 đến 1,3 triệu đồng một lượng vàng. Do đó DOJI có thể phải tăng mức phí để giảm bớt thiệt hại, bù đắp vào phần chi trả vốn vay", đại diện của doanh nghiệp này nói.
"Việc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn ngừng mua vàng cong vênh sẽ gây khó khăn cho toàn bộ thị trường", đại diện của Tập đoàn DOJI nhận định, mặc dù vậy, DOJI khẳng định sẽ không có chuyện ngừng mua vàng móp méo từ khách.
Sau nhiều sự cố về vàng cong vênh làm khó khách hàng thời gian gần đây, móp méo xảy ra gần đây, người dân trở nên thận trọng hơn mỗi khi mua vàng. Đại diện của DOJI cho biết hiện nay, những người đến mua vàng đều "xem xét" rất kỹ miếng vàng xem có vết trầy xước hay cong vênh nào không rồi mới mua.
Theo nguồn tin riêng của VnExpress.net, có khả năng tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/8 tới, Thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ đưa ra cách giải quyết cho vấn đề vàng móp méo này.
Lệ Chi - Thanh Bình