Quyết định được đưa ra khá bất ngờ bởi chỉ một ngày trước đó, chính quốc hội nước này từng từ chối dự luật nhằm đưa 2 nhà băng vào quyền kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Đây là một trong những điều kiện được các nhà tài trợ đưa ra để tiếp tục hỗ trợ Síp, sau khoản trợ cấp 3 tỷ USD nước này nhận được hồi tháng 5.
Kinh tế Síp đã lao đao kể từ sau sự sụp đổ của Hy Lạp, do rất nhiều ngân hàng Síp đã đầu tư mạnh vào đây. Gói giải cứu cho Síp do Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cung cấp, nhắm đến hai ngân hàng lớn nhất nước này là Bank of Cyprus và Laiki - đã bị đóng cửa.
Sau quyết định phản đối hôm 5/9, Bộ trưởng Tài chính Síp - Harris Georgiades đã phải tức tốc đến Quốc hội để gặp lãnh đạo các đảng và đàm phán lại về cuộc bỏ phiếu. Trong khi đó, hàng trăm người dân Síp đã tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội phản đối các chính sách thắt chặt. Các điều khoản của gói cứu trợ vẫn đang là tâm điểm tranh cãi do khiến người gửi mất nhiều tiền trong tài khoản.
Theo thỏa thuận cứu trợ, các tài khoản trên 100.000 euro sẽ bị đánh thuế một lần 9,9%. Biện pháp này được thiết kế để Síp thu về đủ 13 tỷ euro nhằm đổi lấy gói cứu trợ. Hồi tháng 6, Tổng thống Síp - Nicos Anastasiades đã thúc giục các lãnh đạo eurozone xem xét lại điều khoản cứu trợ, do thuế này khiến vốn của doanh nghiệp gửi trong ngân hàng hao hụt đáng kể.
Síp là nước thứ 5 trong eurozone, sau Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, phải nhận cứu trợ tài chính vì khủng hoảng nợ công. Một trong các biện pháp thắt chặt khác của Chính phủ nước này là tư nhân hóa nhiều công ty nhà nước.
Thùy Linh