Thay vào đó, Síp đưa ra phương án hoán đổi trái phiếu Chính phủ đáo hạn từ năm nay đến quý I/2016 bằng nợ mới có kỳ hạn 5 - 10 năm. Síp cho biết việc này là để đáp ứng các điều khoản của gói cứu trợ.
S&P nhận xét: "Quyết định này đã thay đổi kỳ hạn của các khoản nợ. Chúng tôi cho rằng đây là động thái trong tình cảnh túng quẫn. Việc hoán đổi cũng không hề tương đương do trái phiếu mới sở hữu ít điều khoản có lợi hơn loại cũ".

Đầu năm nay, Síp đã đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ 10 tỷ euro từ châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Đổi lại, họ phải đánh thuế lên các khoản tiền gửi ngân hàng trên 100.000 euro và cải tổ hệ thống nhà băng để gom đủ 13 tỷ euro.
Trước đó, việc Síp dự định đánh thuế tất cả các khoản tiền gửi đã gây náo loạn thị trường tài chính. Người dân Síp đổ xô đến đi rút tiền khiến hàng loạt ATM tê liệt, còn các nhà băng phải đóng cửa trong nhiều ngày. Síp là nước thứ 5 trong khu vực đồng euro phải xin cứu trợ, sau Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland.
Sau khi hoán đổi thành công, S&P cho biết xếp hạng nợ của nước này có thể tăng lại lên CCC+. Tuy nhiên, mức này có nghĩa "Síp vẫn có khả năng bị tổn thương và phải trông chờ vào điều kiện kinh tế, tài chính thuận lợi để đáp ứng yêu cầu của gói cứu trợ". Hãng cũng thúc giục Chính phủ Síp giải quyết 950 triệu euro nợ ngắn hạn sắp đáo hạn, tương đương 5% GDP.
Moody’s hiện xếp hạng Síp ở Caa3 với triển vọng tiêu cực. Fitch cũng vừa hạ tín nhiệm nước này xuống vỡ nợ từng phần, từ CCC, cũng vì việc hoán đổi nợ.
Thùy Linh (theo BBC)