Sau khi hoàn thành những kỳ thi gần cuối cùng của khoá Y6, tôi phân vân giữa việc chọn lựa tiếp tục ôn bài hay ra trận chống Covid-19 cùng các anh chị em y khoa khác.
Sau lần được tiêm vaccine mũi thứ nhất, đêm đầu tiên trải qua cơn sốt, trong lòng tôi luôn tự nhủ: Đây là cảm giác mà các bệnh nhân họ phải trải qua sao? Mình khỏe thế này, chích vaccine mà còn mệt vậy, các cô bác anh chị lớn tuổi họ bị nhiễm Covid-19 thật, thì cảm giác sẽ như thế nào?".
Một tuần sau, tôi bỏ dở những bài ôn thi tốt nghiệp năm cuối để đăng ký tham gia lấy mẫu xét nghiệm, sẵn sàng tiếp xúc với người dân, từ F0 đến người khỏe mạnh.
Tôi và các bạn ở nơi lấy mẫu không kiềm được nước mắt khi làm việc. Tôi gặp hai ông bà cụ neo đơn trong khu cách ly, cùng có mẫu test nhanh dương tính. Tôi từng đi lấy mẫu ở một nơi có ca F0 vừa qua đời. Đó là cảm giác xót xa.
Mỗi ngày nhân lực từ khắp nơi trên đất nước bổ sung cho TP HCM càng nhiều. Dịch càng kéo dài, lòng tôi và các bạn sẽ càng đau. Mỗi giờ phút trôi qua, có thể lại có thêm một bệnh nhân nào đó trở nặng. Đó có thể cô bác lớn tuổi nào đó. Nếu không có đại dịch này, có lẽ chúng tôi đang khám và điều trị một bệnh tăng huyết áp hay đái tháo đường nào đó của họ.
Hiện tại bạn bè sinh viên năm cuối của tôi, có nhiều lý do và phần lớn thì vẫn mong muốn thi xong tốt nghiệp mới đi ra tuyến đầu. Nên lực lượng sinh viên năm cuối ở tuyến đầu lúc này có thể chưa tới 20%. Tôi bỗng nhớ lại Italy đã đặc cách cho 10.000 bác sĩ tốt nghiệp trước 7-8 tháng, để bổ sung lực lượng cho tuyến đầu. Nếu như sinh viên năm cuối của những trường đại học Y được đặc cách tốt nghiệp, tôi nghĩ có thể bổ sung một lực lượng lớn cho các bệnh viện dã chiến, các bệnh viện điều trị Covid-19. Vòng ngoài cũng được, vòng trong cũng được, tuyến đầu hay hậu cần cũng được, đã học Y thì sẽ làm được.
B.C
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.