Tình nguyện viên bắt đầu công việc từ ngày 28/7. Trong đó, 50 người tham gia đội hình "taxi cấp cứu chuyển bệnh", 30 người trực tổng đài Trung tâm Cấp cứu 115 đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung, quận 12. Riêng 4 giảng viên sẽ tham gia vào các trạm cấp cứu vệ tinh 115.
Tổng đài viên sẽ tiếp nhận thông tin, điều phối chuyển bệnh, kết nối chuyên gia tư vấn sức khỏe cho người bệnh tại nhà. Đội hình taxi sẽ tiếp nhận điều phối từ họ, chuyển các ca bệnh có dấu hiệu trở nặng từ địa phương đến cơ sở điều trị.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Duy Long (Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM), tình hình dịch bệnh đang rất căng thẳng, F0 ngày càng tăng, số ca chuyển nặng cũng tăng theo nên tất cả cuộc gọi liên quan vấn đề sức khỏe tại các khu phong tỏa, khu cách ly... đều gọi về tổng đài 115. Trước đây, một ngày tổng đài nhận 1.200 cuộc gọi nhưng thời gian qua, đặc biệt là tuần trước, nhận hơn 5.000 cuộc. Cơ sở của tổng đài đặt tại quận 10 tăng từ 8 lên 14 line vẫn không đủ đáp ứng.
Mới đây, thành phố chỉ đạo dời tổng đài lên Khu phần mềm Quang Trung để tăng lên 40 line, đồng nghĩa với việc cần thêm nhân sự tiếp nhận cuộc gọi với mục tiêu "toàn bộ cuộc gọi đến tổng đài 115 đều được phản hồi cho người dân". "Việc tăng cường 30 tình nguyện viên sẽ giúp công tác tổng đài thuận lợi hơn. Tổng đài sẽ chia thành 3 tổ để điều phối là F0 nhẹ không triệu chứng, F0 nặng, điều phối hỗ trợ taxi. Ngoài ra, các bạn có thể tư vấn thêm về vấn đề sức khỏe", bác sĩ Long nói.
Liên quan phương tiện vận chuyển người bệnh, bác sĩ Long cho biết, xe cứu thương truyền thống đang rất thiếu, dù thời gian qua thành phố đã huy động từ nhiều nơi. Hiện, Trung tâm cấp cứu 115 quản lý 23 xe cứu thương, còn 38 trạm vệ tinh quản lý các xe cứu thương trực thuộc các bệnh viện quận huyện đều hoạt động hết công suất. Do đó, Sở Y tế vừa lập đội xe phản ứng nhanh, nâng cấp từ xe taxi bố trí thêm thiết bị y tế để chuyển đổi công năng. Cánh quân thứ 2 của đội hình tình nguyện viên sẽ là nhân lực tham gia các xe cấp cứu này.
TP HCM cũng đang triển khai 5 trạm cấp cứu vệ tinh để hỗ trợ tuyến xe cấp cứu, hỗ trợ các hoạt động cấp cứu tại chỗ. Đội hình này có 4 giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia.
"Nhân lực là tài sản quý giá trong tình hình chống dịch hiện nay. Các tình nguyện viên phải giữ gìn sức khỏe, tuân thủ kỷ luật chống dịch, khắc phục khó khăn đồng lòng cùng chiến thắng dịch", bác sĩ Long nhắn nhủ.
Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp (Hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) bày tỏ lòng cảm ơn đối với 84 sinh viên và giảng viên của trường đã đồng hành cùng ngành y tế. Ông cho biết, các tình nguyện viên sẽ chia ca làm việc luân phiên, ăn uống, ngủ nghỉ tại nơi làm việc để đảm bảo an toàn trong công tác chống dịch. Ngoài ra, họ sẽ được hỗ trợ ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 và hưởng các chế độ đối với tình nguyện viên trực tiếp tham gia các hoạt động chống dịch theo quy định hiện hành.
"Đại dịch còn kéo dài ít nhất cho đến khi vaccine bao phủ. Các tình nguyện viên cần giữ sức khỏe bản thân để bảo vệ cho người dân, bệnh nhân", ông Hiệp nói và không quên nhắn nhủ "các em cũng chú ý sắp xếp thời gian học online".
Lê Cầm