Ngay sau khi nhận được mô hình xe và mã nguồn mở do ban tổ chức cung cấp, các đội đã tìm hiểu đề bài đưa ra để có thể xử lý hình ảnh chính xác nhất, cho xe nhận dạng biển báo để đi đúng hướng của biển. Để có sa hình luyện tập, các đội dùng giấy vệ sinh, giấy trắng, băng dính hoặc nhôm mỏng cắt ra để tạo nên cung đường cho xe chạy. Trận bán kết diễn ra tại Hà Nội ngày 27/3 và tại TP HCM ngày 31/3.
"Trong quá trình làm xe tự hành, đội em đã có không ít trận phản biện nảy lửa, những thuật toán thay đi đổi lại chỉ để xe chạy đúng lộ trình", Nguyễn Thế Nam, sinh viên Kỹ thuật phần mềm, Trưởng nhóm Winwin Spiral, cho biết.
Thường xuyên phải tập luyện vào buổi tối nên đội MTA_Race4FUN của Học viện Kỹ thuật quân sự đã chế thêm cả đèn pha gắn vào xe để nhận diện đường đi. "Có những hôm trời mưa, đội em phải cầm ô để che cho xe chạy. Cả nhóm thường đùa với nhau là tập như thế cho lãng mạn", Vũ Công Minh, thành viên của MTA_Race4Fun, cho biết.
Thời gian không có nhiều nên cả đội phải tranh thủ tối đa lúc rảnh rỗi để tập luyện, vì thế mà xe bị hư hỏng liên tục. "Rất may, nhóm nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các chuyên gia công nghệ của FPT về mặt kỹ thuật để có thể khắc phục kịp thời những hỏng hóc của xe", Minh chia sẻ.
Trong khi đó, các thành viên của của đội UET Fastest thuộc Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội lại sáng tạo ra sân tập ảo trên máy tính do không có địa điểm luyện tập.
Dù gặp nhiều khó khăn, trước trận bán kết, xe của các đội đều đã có thể nhận diện đường đi, tránh vật cản và rẽ trái phải theo quy định. Các đội đang tích cực tập luyện để tối ưu thuật toán lập trình sao cho xe chạy được nhanh nhất có thể.
"Đến với Cuộc đua số, chúng em không chỉ đi thi mà còn học hỏi, trau dồi thêm nhiều kiến thức và kỹ năng liên quan đến ngành lập trình. Chúng em có cơ hội nghiên cứu thêm về AI, xử lý hình ảnh và thiết bị phần cứng của xe mà không có trong chương trình học. Các kiến thức này không chỉ để phục vụ cho cuộc thi mà còn cho cả công việc sau này", Trịnh Công Minh, thành viên đội WinWin Spriral thuộc Đại học FPT, cho hay.
Ngoài sự hỗ trợ của các chuyên gia công nghệ FPT, 18 đội thi cũng nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình của các giáo viên trong trường. Để các thành viên của đội làm quen với không khí căng thẳng của cuộc thi, các giáo viên hướng dẫn đã rất nghiêm khắc trong quá trình huấn luyện, luôn đưa ra những tình huống khó nhất, bất ngờ nhất để tập xử lý.
Thầy Ngô Tùng Sơn, giảng viên Đại học FPT, nhận định: "Đặc điểm của Cuộc đua số đúng với tính chất 'kiếm củi ba năm thiêu một giờ', với hàng tháng trời chuẩn bị - lâu hơn một học kỳ đồ án ở trường, nhưng đem xe đua chỉ mất tầm 10 phút là phân thắng thua. Do đó, các đội cần phải lên được các chiến thuật tốt cho nhiều tình huống khác nhau".
Cuộc đua số 2017-2018 là cuộc thi lập trình công nghệ xe tự hành dành cho sinh viên đại học tại Việt Nam, do FPT tổ chức thường niên. Tham gia cuộc thi, các thí sinh không chỉ nghiên cứu, sáng tạo, trải nghiệm công nghệ mới nhất về xe tự hành cũng như có cơ hội làm việc trong lĩnh vực này.