Buổi tọa đàm về giảng dạy WTO. Ảnh: T.H. |
Trao đổi với VnExpress, một giảng viên của Học viện Quan hệ quốc tế Hà Nội cho biết, trường thường tổ chức các buổi nói chuyện ngoại khóa với chuyên gia trong nước và nước ngoài về WTO, và lần nào hội trường cũng chật cứng sinh viên. Không phải chỉ tới nghe để tăng cường hiểu biết, các bạn sinh viên còn đặt ra rất nhiều câu hỏi hay, thể hiện sự hiểu biết và quan tâm đối với vấn đề hội nhập của VN.
Ngụy Đình Tùng, lớp Luật 45, khoa Luật kinh tế, trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho biết, hầu như ngày nào bạn cũng đọc báo, xem tivi để biết những thông tin thời sự. Tin tức liên quan tới WTO Tùng đều đọc rất kỹ, ghi nhớ và lưu lại những trang báo này. Chả thế mà khi được hỏi: "VN đang ở đâu trong tiến trình đàm phán gia nhập WTO?", Tùng nói vanh vách về các đối tác VN đã kết thúc đàm phán song phương và những đối tác chưa kết thúc. Tùng cũng không ngần ngại khi nói về những vấn đề VN và Mỹ còn chưa thống nhất được trong đàm phán mà bạn biết được thông qua báo, đài...
Đình Tùng cho biết, bạn quan tâm tới WTO vì nhận thức được rằng, giờ đây hội nhập không còn là xu hướng nữa mà đã trở thành thực tế ngay trước mắt. "Vào WTO có nghĩa là môi trường kinh doanh của VN sẽ thay đổi, công việc của chúng em cũng từ đó mà chịu những tác động này. Vì thế, nếu không biết về WTO, không hiểu những nguyên tắc hoạt động của một nước thành viên thì chắc chắn chúng em khó có thể thích nghi được với môi trường mới", Tùng nói.
Cũng giống như Tùng, Tạ Quỳnh Nhung, sinh viên năm thứ 4 khoa Kinh tế ngoại thương, Đại học Ngoại thương Hà Nội cho biết, ngoài lý do phục vụ cho việc học tập tại trường, bạn còn tìm thấy sự lý thú rất lớn trong các bài giảng của thầy cô về WTO. Theo Nhung, các bạn sinh viên hiện rất kỳ vọng vào các vận hội mới khi VN chính thức trở thành thành viên của tổ chức này.
Nhung hào hứng kể: "Hầu hết những nguyên tắc, hiệp định cơ bản của WTO em đều nắm khá rõ. Em cũng hiểu để vào WTO VN đã phải chuẩn bị những gì, và những cơ hội, thách thức sau khi gia nhập. Em cũng thường xuyên theo dõi để biết tiến trình đàm phán của VN".
Tuy nhiên, đa số sinh viên đều thừa nhận, các kiến thức về WTO của mình vẫn chỉ dừng ở mức độ cơ bản. Thông tin còn thiếu tính hệ thống và tài liệu tham khảo rất thiếu thốn. Quỳnh Nhung cho biết, trong chương trình học ở trường, không có giáo trình riêng về WTO mà nó thường được lồng ghép vào trong các môn học. Mỗi môn lại "xới" một góc nên các sinh viên không thể hiểu đầy đủ và hệ thống về tổ chức này.
Lê Cẩm Thơ, cũng là sinh viên khoa Kinh tế ngoại thương, trường Đại học Ngoại thương Hà Nội phản ánh, những kiến thức về WTO mà bạn có được phần lớn là "nhặt nhạnh" chỗ này chỗ kia. Ngoài những tài liệu tham khảo ở trường (mà chủ yếu là nội dung "tĩnh"), sinh viên nếu muốn nắm được những thông tin "động", có tính cập nhật thì phải chịu khó đọc sách báo, hoặc search (tìm kiếm) trên mạng.
Còn theo Hoàng Thị Phương Anh, khoa Luật Kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân, tài liệu tiếng Việt về WTO rất ít. Trên mạng có nhiều thông tin về WTO, nhưng lại đều viết bằng tiếng Anh. Dù khá tiếng Anh, sinh viên cũng cảm thấy trở ngại bởi nhiều tài liệu đòi hỏi phải có kiến thức chuyên ngành mới đọc và hiểu được.
Ông Nguyễn Bá Diến, giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội thừa nhận, việc giảng dạy về WTO vẫn mang tính giới thiệu, chưa chuyên sâu và thời lượng quá ngắn.
Theo ông Trần Văn Nam, giảng viên khoa Luật, trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho biết, kiến thức về WTO có thể tìm thấy trong các chuyên ngành như Luật, Kinh tế học, Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Thương mại quốc tế, nhưng không ngành nào giảng dạy chuyên sâu cả. Phần nói về WTO chỉ chiếm khoảng 10-30% trong các môn học.
Bà Trần Thị Thu Hằng, Giám đốc Dự án Mutrap cho biết, dự án sẽ hỗ trợ các trường đại học biên soạn giáo trình mới về WTO. Bên cạnh đó, Mutrap cũng dự kiến sẽ tổ chức một khóa học khoảng 3 tháng tại Geneva để nâng cao kiến thức thực tế cho giảng viên các trường đại học.
Hà Vy