Covid-19 đang thúc đẩy phương pháp học tập linh hoạt ở các trường đại học trên thế giới. Các giáo sư có thể ngồi trước màn hình máy tính và giảng bài tại nhà. Một khoa tại Cao đẳng Lafayette, bang Pennsylvania, hướng dẫn học sinh chế tạo máy ảnh tại nhà từ thùng carton và dây cao su. Tại Đại học Bách khoa Virginia, sinh viên chuyên ngành Âm nhạc được yêu cầu tạo video trên ứng dụng Tik Tok.
Những hoạt động trên được gọi chung là giáo dục trực tuyến, nhưng chưa phải là định nghĩa của phương pháp giảng dạy này. Tiến sĩ Eric Fredericksen, Phó giám đốc Trung tâm học tập kỹ thuật số thuộc Đại học Rochester, ước lượng việc xây dựng và phát triển một khóa học trực tuyến chất lượng bao gồm đào tạo giáo viên, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị có thể mất một năm. Trong khi các đại học Mỹ chỉ có 8 ngày chuẩn bị tất cả đầu việc trên và đưa lên phần mềm Zoom.
Vì lẽ đó hiệu quả học tập trực tuyến không bằng giảng dạy truyền thống. Nhiều sinh viên chuyển từ hào hứng với phương pháp mới sang chán ghét, thất vọng, thậm chí kiến nghị nhà trường hoàn trả học phí. Bill Cope, giáo sư ngành Chính sách, Tổ chức và Lãnh đạo giáo dục tại Đại học Illinois lo lắng sau trải nghiệm từ đại dịch, sinh viên sẽ không bao giờ muốn học trực tuyến.
Công ty tư vấn giáo dục Eduventures ước tính 20% sinh viên Mỹ đăng ký khóa học trực tuyến năm 2018. Nhưng theo khảo sát gần đây của trung tâm luyện thi trực tuyến OneClass, hơn 75% sinh viên cho biết không có trải nghiệm học tập hiệu quả qua Internet. Trong cuộc thăm dò 14.000 sinh viên đại học và sau đại học của trang Niche.com vào tháng 4, 67% người đánh giá các lớp trực tuyến không hiệu quả bằng lớp học truyền thống.
Những con số cho thấy sinh viên ít hứng thú với giáo dục online, không sẵn sàng chuyển đổi từ các lớp học truyền thống sang lớp học ảo. Trên thực tế, trong tình huống phải đột ngột rời khỏi ký túc xá, học online, sinh viên nuối tiếc các lớp học ít sử dụng công nghệ, được tham gia hoạt động ngoại khóa, lên thư viện, trò chuyện trực tiếp với bạn bè.
Tuy nhiên, nhiều nhà giáo dục cho rằng giáo dục trực tuyến sẽ được sinh viên quan tâm và hưởng ứng khi đăng ký cao học. Richard Garrett, Giám đốc nghiên cứu của Eduventures, nhận xét ở tuổi 18, sinh viên muốn đến lớp nhưng ở tuổi 28, khi đã có gia đình, công việc, giáo dục trực tuyến hữu ích hơn. Theo cuộc khảo sát trên 1.000 người của Quỹ hỗ trợ sinh viên Mỹ, hơn 50% người Mỹ trưởng thành muốn duy trì học trực tuyến sau đại dịch.
Ngoài sinh viên, giảng viên, giáo sư đại học cũng phải học cách thích nghi và làm chủ giáo dục trực tuyến, ngay cả những người có hạn chế về mặt công nghệ. Dù chưa thể thay đổi giáo dục đại học, Covid-19 đang đưa công nghệ tác động sâu rộng vào môi trường giảng dạy truyền thống. Các đại học coi học kỳ này là một thử nghiệm để cân nhắc nội dung nào chuyển sang học online là hiệu quả nhất.
Tú Anh (Theo New York Times)