Ngày đứa con trai chuẩn bị vào năm nhất đại học ngành thiết kế đồ họa, việc đầu tiên mà cô hàng xóm của tôi phải lo là xoay xở đủ tiền mua cho con một chiếc laptop "xài được".
Chiếc máy giá hơn 20 triệu đồng, gần bằng cả một vụ lúa. Rồi tiếp theo là tiền trọ, tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền học phí. Con muốn đi làm thêm, nên lại phải mua xe máy...
Tất cả những khoản phụ đó cộng lại mới thấy, học phí không phải là nỗi lo duy nhất khi có con vào đại học, mà chỉ là phần nổi của một tảng băng trôi mang tên "gánh nặng nuôi con ăn học".
Với nhiều gia đình ở nông thôn, thu nhập chủ yếu dựa vào ruộng vườn hoặc lao động phổ thông, việc có con đậu đại học là niềm vui nhưng cũng là sự đánh đổi. Không chỉ là học phí ngày một tăng, mà còn là hàng loạt chi phí không thể cắt giảm: nhà trọ, thực phẩm, đi lại, thiết bị học tập.
Thỉnh thoảng, trong những lúc tám chuyện, cô hàng xóm vẫn hay than "ở quê kiếm từng đồng, một triệu là lớn nhưng nó học ở thành phố gửi 3 triệu một tháng vẫn không đủ". Tức thì, một người khác liền nói: "Cuối tháng nào cũng nhờ chị gái nó chuyển cho năm trăm, một triệu mới đủ xài".
Một năm đại học, nếu tính đầy đủ, không dưới 60-70 triệu đồng. Đó là chưa kể những ngành đặc thù như đồ họa, kiến trúc, công nghệ... sinh viên bắt buộc phải đầu tư máy móc, phần mềm từ sớm.
Tăng học phí trong lộ trình tự chủ đại học là xu hướng tất yếu, điều này không ai phủ nhận. Các trường cần tài chính để nâng cấp cơ sở vật chất, thu hút giảng viên giỏi, cải thiện chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, khi lộ trình này không đi kèm chính sách hỗ trợ học bổng, tín dụng học sinh - sinh viên hiệu quả, hoặc mô hình ký túc xá giá rẻ, thì hệ quả là vô tình đẩy một bộ phận lớn sinh viên ra ngoài "cuộc chơi".
Lương làm thêm, ý tôi là đi làm phục vụ cho quán cà phê, hiện nay chỉ khoảng 20.000 đồng một giờ, chưa đủ trả cho một bữa cơm bụi 35.000 đồng. Nhiều sinh viên phải đi làm thêm từ năm nhất, không phải để trải nghiệm, mà để trụ lại. Học ban ngày, làm ban đêm, làm và học xen kẽ theo thời khóa biểu...
Câu chuyện học đại học trở thành bài toán lo toan cơm áo không chỉ với người học, mà cả gia đình phía sau. Tôi không tưởng tượng được nỗi thất vọng thế nào, nếu một thanh niên 18 tuổi bị ngáng đường vào đại học chỉ vì "ba mẹ không lo nổi".
Trong bối cảnh đó, việc tăng học phí đại học cần được nhìn nhận không đơn thuần là chuyện của một ngành, một trường, mà là chính sách xã hội có ảnh hưởng sâu rộng...