Sáng thứ hai, thay vì nghỉ ngơi và làm việc tại nhà, Nguyễn Phương Tú, 23 tuổi, cựu sinh viên Đại học Ngoại thương, vẫn đến "ngôi nhà chung" để hoàn thiện các hộp quà trưởng thành Rise and Shine. Đây là hoạt động mới trong thời gian học sinh nghỉ phòng Covid-19 của WeGrow Edu, dự án khởi nghiệp mà Tú và ba người bạn gồm Linh Hoàng, Hà Thu và Bích Ngọc thực hiện hơn ba năm qua.
Năm 2016, khi tham gia tổ chức trại hè cho học sinh, Phương Tú và Linh Hoàng tiếp xúc nhiều với các em tiểu học và THCS. Hai sinh viên khi đó nhận ra nhiều học sinh gần như không có kiến thức về giới tính, bị mặc cảm hoặc không vượt qua được những định kiến về giới để theo đuổi đam mê. Có nam sinh đam mê thiết kế thời trang, nữ sinh lại thích đá bóng nhưng không vượt qua được định kiến không phù hợp với giới tính, tạo thành bức tường vô hình ngăn các em.
Sau hơn hai năm trăn trở và tích lũy kiến thức, tháng 1/2019, Phương Tú cùng Linh Hoàng và hai sinh viên Đại học Ngoại thương khác là Hà Thu và Bích Ngọc chính thức khởi nghiệp bằng dự án giáo dục giới tính WeGrow Edu, mong muốn tạo ra giá trị bền vững và lâu dài hơn cho trẻ em.
Thay vì chỉ tập trung vào các biện pháp tránh thai hay phòng chống xâm hại, vốn là những điều hay được nhắc đến trong giáo dục giới tính, WeGrow Edu tiếp cận từ khía cạnh quyền của cá nhân và phát triển con người. "Nhóm muốn giúp các em biết cách bảo vệ và yêu thương bản thân, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình", Phương Tú chia sẻ.
Hướng đến đối tượng từ 4 đến 18 tuổi, các hoạt động chính của WeGrow Edu là triển khai khóa học và trại hè về giáo dục giới tính; thiết kế, giảng dạy các chương trình ngoại khóa cho nhà trường. Giáo án được WeGrow Edu tham khảo từ khung giáo dục giới tính toàn diện SIECUS của Mỹ kết hợp cùng kiến thức nền nhóm tự tìm hiểu tại Việt Nam.
Theo kế hoạch, thời gian đầu của dự án, Phương Tú dự định triển khai WeGrow Edu tại các trường THCS ngoài công lập tại Hà Nội. Tuy nhiên, rất nhiều đơn vị từ chối lời để nghị vì cho rằng nội dung nhạy cảm. Khi gọi điện cho phụ huynh thuyết phục bố mẹ để con tham gia khóa học, nhóm của Tú thường xuyên nhận được câu trả lời "chúng tôi tự dạy được".
Suốt 4 tháng đầu, WeGrow Edu không được một trường nào đồng ý cho triển khai chương trình và cũng không tổ chức được bất kỳ lớp học nào. Dù đã chuẩn bị trước tinh thần giáo dục giới tính là khía cạnh nhiều người tránh nhắc đến và không được cởi mở đón nhận, các thành viên vẫn stress. "Có thể mô hình và cách tiếp cận của mình sai rồi", Tú suy nghĩ.
Dù gặp khó khăn, các thành viên không bỏ cuộc, tìm phương án khắc phục vì xác định đây sẽ là sự nghiệp của mình chứ không chỉ là dự án hoạt động trong một vài năm. Tú và các thành viên chia nhau tham dự một số chương trình ươm tạo khởi nghiệp của Đại học Ngoại thương, tích cực đến các hội thảo nghiên cứu, gặp gỡ và trao đổi với phụ huynh để hiểu, nắm bắt tâm lý.
Cơ hội đầu tiên đến với WeGrow Edu là khi một giảng viên của Đại học Ngoại thương đề nghị nhóm đến chia sẻ về giáo dục giới tính cho học sinh trong lớp tiếng Anh của thầy. Sau đó, một cô giáo khác biết đến dự án cũng vận động phụ huynh cho con trải nghiệm các hoạt động của WeGrow Edu.
Từ các hoạt động quy mô nhỏ, dần dần Tú nhận được sự đồng ý hợp tác của nhiều trường học và phụ huynh. Sau hơn một năm, hiện WeGrow Edu đã kết nối được 14 trường và tổ chức hơn 20 khóa học, tiếp cận trên 300 học sinh.
Trong quá trình triển khai WeGrow Edu tại các trường, Phương Tú được chứng kiến nhiều khoảnh khắc xúc động giữa phụ huynh và con. Nam sinh kể, trước khi kết thúc một khóa học, nhóm thường dành một không gian đủ riêng tư cho bố mẹ tâm sự, trải lòng với các con thông qua hình thức viết thư. Nếu sẵn sàng, bố mẹ có thể tự mình đọc lá thư đó.
Lần đó, một người mẹ đã kể về quá trình mang thai cực khổ ra sao, vui mừng thế nào thì con trai ra đời. Nhưng càng về sau, hai mẹ con dần xa cách và người mẹ cũng không biết làm như nào để nói chuyện với con về vấn đề giới tính. "Được mọi người tin tưởng để chia sẻ tâm sự, đội ngũ chúng mình thấy rất xúc động xen lẫn may mắn. Đây là động lực cho nhóm tiếp tục theo đuổi WeGrow Edu, góp phần tạo ra những giá trị tốt đẹp, giúp gắn kết bố mẹ và con cái", Tú nói.
Cuối năm 2019, các thành viên mang WeGrow Edu đến cuộc thi Social Business Creation do Đại học HEC Montreal (Canada) tổ chức, lọt top 3 tại vòng hai quy mô toàn cầu và top 10 về ý tưởng kinh doanh xã hội. Chỉ hai tháng sau, đầu năm 2020, WeGrow Edu trở thành một trong 25 nhóm tại Đông Nam Á được Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ để phát triển dự án ươm tạo thúc đẩy bình đẳng giới cho học sinh THPT tại Việt Nam.
Hiện Phương Tú và các thành viên vừa hoàn thành hộp quà trưởng thành Rise and Shine để bố mẹ có thể cùng con sử dụng trong thời gian nghỉ học phòng Covid-19. Các hộp được chia theo 4 nhóm tuổi gồm 4-7, 8-11, 12-16 và 17-18, mỗi hộp 4 ngăn gồm 30 món đồ, chứa những chủ đề và thông điệp riêng.
Chẳng hạn, tại ngăn Hạnh phúc của chiếc hộp dành cho lứa tuổi 12-16, giai đoạn cơ thể có nhiều thay đổi, Phương Tú và thành viên để các tài liệu liên quan đến chuyện dậy thì được thể hiện bằng nhiều truyện ngắn. Bên cạnh đó, các em có thể tìm được những vật dụng chăm sóc cơ thể tại ngăn Yêu bản thân và được dạy về bao cao su, que thử thai và băng vệ sinh tại ngăn Bí mật. Cuối cùng, tại ngăn Yên bình, nhóm tặng người dùng nhiều món quà lưu niệm, đồng thời để lại một số mã QR để các em liên lạc trực tiếp nếu cần tâm sự, tư vấn.
Cô Lê Hà, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và ươm tạo, Đại học Ngoại thương, đánh giá cao ý dự án WeGrow Edu khi Phương Tú giới thiệu vào đầu năm 2019. Từ những vấn đề bức thiết hiện nay như xâm hại tình dục, bắt nạt học đường, định kiến giới..., cô giáo cho rằng kiến thức và trải nghiệm giáo dục của WeGrow Edu sẽ giúp người trẻ biết bảo vệ bản thân, phát triển đúng với tiềm năng.
Theo cô Hà, WeGrow Edu không chỉ là một dự án khởi nghiệp đơn thuần mà còn đóng vai trò là nhân tố kết nối gia đình, nhà trường trong việc giáo dục giới tính cho trẻ em. "Tôi đặt nhiều hy vọng vào thế hệ các bạn trẻ như Phương Tú, những người luôn tìm kiếm giải pháp sáng tạo cho các vấn đề xã hội. Đây cũng là hình ảnh một công dân toàn cầu có trách nhiệm với xã hội và cộng đồng", cô giáo nói.
Thời gian tới, Phương Tú dự định tiếp cận nhóm các trường công lập trên địa bàn Hà Nội để triển khai dự án WeGrow Edu. Trong 5 năm nữa, nhóm hy vọng có thể xây dựng chương trình giáo dục giới tính có vai trò như một môn học tại tất cả các trường ở Việt Nam. Tú đánh giá, đây là mục tiêu lớn và có phần tham vọng, tuy nhiên dự án WeGrow Edu đang có nhiều dấu hiệu tích cực "nên nhóm cho phép mình hy vọng về một kết quả khả quan".
Thanh Hằng