6h sáng thứ sáu, dù không phải đi học, Tuệ Nhi, học sinh trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, vẫn dậy sớm ngồi thiền, ăn sáng rồi học khóa trí tuệ nhân tạo của Đại học Harvard và Stanford (Mỹ). Từ khi Covid-19 bùng phát, các đại học mở cửa thư viện số, cung cấp nhiều khóa học miễn phí cho sinh viên, Nhi tranh thủ tích lũy kiến thức.
Sau hai tiếng học bài, em bắt tay thực hiện tiếp mô hình trí tuệ nhân tạo về chẩn đoán ung thư vú đang làm dở. Các khóa học và dự án của Nhi thời điểm hiện tại đều xoay quanh công nghệ, tuy nhiên trước khi bước vào THPT, nữ sinh chưa từng nghĩ mình sẽ đi theo con đường này.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, có bố làm trong ngành y, cô bé Tuệ Nhi từ nhỏ đã ước mơ trở thành bác sĩ để sau này đến châu Phi giúp đỡ người nghèo. Lớn hơn một chút, khi 10 tuổi, Tuệ Nhi suy nghĩ lại vì "sợ rằng không thể giúp mọi người khỏe lại thì buồn lắm".
Được gia đình định hướng, lên THCS, Nhi học và tìm hiểu về kinh doanh, tài chính. Suốt những ngày tháng phổ thông, nữ sinh gắn bó với những cuộc thi về kinh doanh, từ Teen Entrepreneur cho đến International Trade Challenge. "Lúc đó, nếu có ai hỏi em sau này muốn làm gì, em sẽ nói muốn trở thành nữ doanh nhân không một chút chần chừ", Nhi kể.
Đến khi bước chân vào THPT, Nhi bắt đầu đọc những tác phẩm của Dan Brown viết về sự kỳ vĩ của công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Từ tò mò, cô gái 16 tuổi khi đó quyết định "hay là thử một lần" và bắt đầu tìm hiểu về mã hóa, lập trình. Vì sợ bị phản đối và nói rằng con gái không phù hợp với lĩnh vực này, Nhi hàng ngày vẫn học về kinh doanh, dành thời gian buổi đêm để đọc tài liệu về công nghệ.
Sau hơn một năm tự mày mò, cuộc thi đầu tiên về công nghệ Nhi tham gia là Hackathon 2018 do Viện Công nghệ và Khởi nghiệp MindX tổ chức cho học sinh THPT. Năm đó, Nhi học lớp 11. Khi cân nhắc lựa chọn đề tài dự thi, nữ sinh nhớ lại mơ ước trở thành bác sĩ năm nào và nhận ra mong muốn giúp đỡ người bệnh chưa bao giờ biến mất trong mình.
Thời điểm đó, bố của Nhi bị đau dạ dày nên em nghĩ đến việc tạo ra một website thực dưỡng, cung cấp thực đơn theo mùa về các loại đồ ăn giàu dinh dưỡng, an toàn với hệ tiêu hóa. Nữ sinh rủ thêm hai người bạn cùng tham gia cuộc thi, lập thành một đội. Sẵn các tài liệu y học trong nhà, Nhi đảm nhận phần nội dung, thiết kế khung cho website.
Khi thực hiện, cô gái sinh năm 2001 chú trọng việc website phải có màu sắc tươi sáng, dễ sử dụng đối với người trung niên. Các món ăn được chia theo ba bữa sáng, trưa, tối đồng thời được sắp xếp theo mùa dựa trên đặc điểm khí hậu và thể trạng đặc trưng của người Việt Nam. Mỗi món lại có hình ảnh minh họa và hướng dẫn làm khi người dùng bấm vào.
Để hoàn thiện website với nội dung tương đối chi tiết và đầy đủ, Nhi phải tham khảo loại hình thực dưỡng của người Nhật và nhiều nước, chọn lọc những gì phù hợp, đồng thời viết mã hóa để website có thể tận dụng thông tin hữu ích từ các địa chỉ khác.
Sau hơn một tháng thực hiện, website của Nhi và những người bạn đồng hành được trao giải nhất cuộc thi Techkids Hackathon 2018. "Chưa bao giờ em nghĩ sẽ đạt được thành tựu hay dấu mốc nào đó trong công nghệ. Giải thưởng này như một sự khích lệ, động viên em tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực này", Nhi chia sẻ.
Ngay năm đó, nữ sinh tiếp tục tự học về trí tuệ nhân tạo, vốn là khía cạnh rất khó của công nghệ và chưa phổ biến tại Việt Nam. Với mong muốn sau này có thể ứng dụng những sản phẩm công nghệ của mình vào trong y học, Nhi bắt đầu nghiên cứu và thực hiện dự án chẩn đoán ung thư vú bằng trí tuệ nhân tạo.
Với lợi thế sử dụng thành thạo hai ngoại ngữ Anh, Hàn và biết tiếng Tây Ban Nha, nữ sinh tìm kiếm, sử dụng tài liệu miễn phí, được công bố bởi phòng nghiên cứu Machine Learning của bang Wisconsin (Mỹ) hoặc các bệnh viện quốc tế. Tài liệu gồm hình ảnh, biểu hiện lâm sàng của người bệnh được Tuệ Nhi mã hóa, đưa vào máy tính để máy phân tích và kết luận người này có bị ung thư vú hay không.
Trong quá trình thực hiện, do không được đào tạo tại bất kỳ trường lớp chính thống nào, Nhi thường xuyên gặp lỗi mà không biết mình mã hóa sai ở đâu. Không thiếu những lần nữ sinh cảm thấy nản lòng, thậm chí nghĩ "hay thôi bỏ đi, mình không hợp với cái này".
Để cân bằng tinh thần và giải tỏa căng thằng, Nhi học cách thiền và tập gym. Khi đã bình tĩnh hơn, nữ sinh sẽ đọc sách nói về vai trò, tác dụng của trí tuệ nhân tạo với y học để lấy lại động lực. Tiếp đó, em tìm video của những người có dự án tương tự để sửa lỗi và học theo.
Sau khi thử hơn 1.000 tệp tài liệu trong hai tháng, cuối năm 2019, Nhi nhận được kết quả chẩn đoán của máy tính có độ chính xác trung bình 97%, cao nhất 98%. "Khi thấy con số 98, em không tin nổi vào mắt mình. Em chưa từng nghĩ mình sẽ làm được một sản phẩm có xác suất chính xác cao như vậy", Nhi chia sẻ.
Khi được bạn bè ủng hộ việc mang dự án đi thi, Nhi đắn đo và cảm thấy chưa tự tin, cần thời gian hoàn thiện và cũng để tìm được cuộc thi phù hợp. Hiện Nhi nghiên cứu, nạp thêm dữ liệu phức tạp vào phần mềm để cải thiện độ chính xác, đồng thời lên kế hoạch xây dựng dự án trên nền tảng website, ứng dụng điện thoại để nhiều người có thể sử dụng.
Từ kiến thức, dự án công nghệ tự mày mò và thành tích Toán SAT 760/800, Toán ACT 33/36, đầu tháng 3, Nhi đã mạnh dạn apply ngành Khoa học Máy tính, Viện Công nghệ của Đại học VinUni và nhận được học bổng toàn phần trị giá 3,5 tỷ đồng trong bốn năm.
Là người trực tiếp phỏng vấn Tuệ Nhi, thầy Phạm Ngọc Nam, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính, Đại học VinUni, rất ấn tượng với những dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào y học, đạt tỷ lệ chính xác cao mà nữ sinh đã thực hiện trong thời gian qua.
Thầy giáo đánh giá Nhi xuất sắc về khả năng tư duy logic, lập trình và hiểu thuật toán. "Nhân tài khoa học công nghệ đang khan hiếm, đặc biệt là nữ giới. Với khả năng của mình, tôi tin Nhi sẽ sớm trở thành một nhân tố tích cực của phong trào Phụ nữ và Công nghệ tại Việt Nam cũng như quốc tế", thầy Nam chia sẻ.
Còn đối với Nhi, ngày nhận được thư báo từ trường, em bỗng nhận ra đôi khi xuất phát sai hướng có thể đưa mình đến đúng đích. Chuyển từ kinh doanh sang công nghệ, Nhi cho rằng đó là quyết định phù hợp với bản thân.
"Trở thành một nữ doanh nhân thật tốt, nhưng tự tạo ra sản phẩm công nghệ và hiểu rằng mình muốn phát triển nó như nào trong tương lai mới là con đường em mong muốn theo đuổi", Nhi nói.
Thanh Hằng