6 năm trước, Joel Wong, học sinh trung học ở Singapore, đọc được kết quả khảo sát hàng năm về tỷ lệ việc làm và mức lương trung bình của cử nhân đại học do Bộ Giáo dục công bố. Vì hứng thú với công nghệ, cũng như mức lương cao, cậu đã chọn học ngành Khoa học máy tính của Đại học Quốc gia Singapore (NUS).
"Thời điểm đó, mức lương của cử nhân Khoa học máy tính cao nhất thị trường. Điều đó đã phần nào thôi thúc tôi chọn ngành học này", Wong, nay 24 tuổi, chia sẻ.
Tuy nhiên, mọi thứ giờ đã thay đổi. Các gã khổng lồ công nghệ như Facebook và Google đã sa thải hàng chục nghìn nhân viên trên toàn cầu, gồm cả ở Singapore. Đối với những sinh viên năm cuối như Wong, tìm việc làm đã trở nên khó khăn hơn.
"Rất nhiều công ty công nghệ ở Singapore từng thuê nhiều sinh viên Khoa học máy tính hiện không còn tuyển dụng", Wong nói, cho hay tháng trước đã nộp đơn ứng tuyển 17 vị trí và được 5 công ty phản hồi, nhưng cuối cùng không có thư mời làm việc nào.
Không chỉ các vị trí chính thức, các vị trí thực tập cũng đang trở nên khan hiếm. Bryan Ho, 23 tuổi, sinh viên năm thứ ba ngành Khoa học máy tính tại NUS, cho biết đã nộp 100 đơn xin thực tập và may mắn nhận được 4 lời mời.
"Tôi nghĩ mọi việc chắc chắn sẽ khó khăn hơn bởi nếu quá nhiều công ty cắt giảm nhân sự, số vị trí thực tập sinh sẽ không còn nhiều", Ho nói.
Theo báo cáo thị trường lao động quý 2 của Bộ Nhân lực Singapore, tổng số việc làm ngành Công nghệ thông tin đạt mức 143.400, giảm 0,2% so với quý trước. Riêng tháng 6, số vị trí tuyển là 5.700, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ethan Ang, CEO và đồng sáng lập NodeFalir - trang tuyển dụng công nghệ ở châu Á, cho rằng việc các công ty ồ ạt tuyển dụng trong thời kỳ đại dịch dẫn tới tình trạng này. Ang dẫn chứng năm 2021, nhu cầu nhân sự chạm đỉnh đã đẩy mức lương và số vị trí tuyển dụng lên cao. Thậm chí, có những người cùng lúc nhận được 5 thư mời làm việc. Khi nhu cầu giảm, các công ty cực kỳ thận trọng trong tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp.
Ben Leong, Phó giáo sư về Khoa học máy tính tại NUS, lại cho rằng tình trạng này không phải do thiếu vị trí tuyển dụng mà do số sinh viên ở Singapore đáp ứng được các công việc này tăng lên. Thống kê tuyển sinh của NUS cho thấy năm 2022 có 1.042 tân sinh viên chọn học các ngành máy tính, tăng 57% so với năm 2018.
Ngoài ra, Leong cho rằng sinh viên ngày nay cần phải thực tế về những gì các nhà tuyển dụng công nghệ mong đợi. Cũng giống như nghề luật sư hay bác sĩ, kỹ sư khoa học máy tính đòi hỏi các kỹ năng chuyên môn và không phải ai theo học cũng có thể đáp ứng được công việc.
"Đó là một công việc khó khăn và có được bằng cấp không có nghĩa là bạn có được việc làm", Leong nói.
Bryan Ho cho biết đang cân nhắc tìm các vị trí thực tập khác. Điều này có thể giúp cậu tích lũy thêm kinh nghiệm nghề nghiệp để ứng tuyển các công việc chính thức sau này.
"Tôi có thể tốt nghiệp trễ một chút và hy vọng đến thời điểm đó, tôi sẽ dễ dàng kiếm được công việc với mức lương cao hơn", Ho nói.
Thống kê của Nodeflair cho thấy mức lương trung bình của tân cử nhân nhóm công nghệ thông tin ở Singapore khoảng 3.750-6.250 SGD/tháng (67-112 triệu đồng).
Huy Quân (Theo Business Insider, Ministry of Manpower Singapore)