Ba bạn trẻ gồm Nguyễn Đình Anh, Phạm Vũ Thái Minh, Nguyễn Phương Linh, đều 20 tuổi. Cả ba từng là sinh viên trực tuyến tại FUNiX, trong đó Đình Anh và Thái Minh hiện học tại Đại học FPT theo chương trình chuyển tiếp từ FUNiX lấy bằng công nghệ thông tin, Phương Linh hiện là sinh viên ngành Tài chính công, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Để xây dựng sản phẩm, Thái Minh và Đình Anh đảm nhiệm chính phần công nghệ, Phương Linh tìm hiểu các kiến thức liên quan đến tài chính cũng như hỗ trợ nhóm xây dựng ChatGPT Prompt.
Sản phẩm dự thi "FinAInce Assistant - ChatGPT can take actions" - Trợ lý ảo ngân hàng của nhóm được thực hiện trong gần một tháng và giành chiến thắng thuyết phục, đạt giải nhất ChatGPT Hackathon với phần thưởng 20 triệu đồng. Lý giải về ý tưởng sản phẩm, Phương Linh, thành viên nhóm cho biết nhóm muốn tạo ra một sản phẩm Fintech giúp tối ưu các thao tác cho người dùng.
Hiện nay, nếu người dùng muốn thực hiện các công việc liên quan đến tài chính hoặc tìm hiểu thông tin tài chính, họ phải thực hiện nhiều thao tác khác nhau. "Với FinAInce Assistant, người dùng chỉ cần sử dụng tin nhắn hoặc giọng nói, ứng dụng sẽ hiểu ý định của người dùng và thực hiện các thao tác tương ứng. Từ đó giúp tối ưu trải nghiệm người dùng", Phương Linh chia sẻ.
Điểm khác biệt của FinAInce Assistan so với một số ứng dụng tài chính hiện có là sử dụng ChatGPT và một vài kỹ thuật đặc biệt để có thể hiểu ý định người dùng thay vì các NLP Model. Từ đó, sản phẩm tiết kiệm thời gian phát triển, đồng thời vẫn đảm bảo độ chính xác và khả năng mở rộng. Ngoài ra, nhóm cũng sử dụng ChatGPT như một thành phần chính của sản phẩm, giúp việc ứng dụng nền tảng này trong thực tế trở nên rõ ràng hơn.
Đình Anh cho biết thêm, trong các vấn đề kỹ thuật phải đối mặt thì việc làm sao để ChatGPT có thể hiểu và trích xuất được ý định người dùng là một bài toán khá mới, khiến nhóm mất nhiều thời gian để giải quyết. "Nhóm sử dụng ChatGPT như một trợ lý để tìm kiếm các thông tin cũng như tìm kiếm ý tưởng và hoàn thiện sản phẩm như làm docs, viết test cũng như hỗ trợ việc code. Nhờ có ChatGPT, nhóm đã tiết kiệm thời gian, tập trung vào giai đoạn phát triển sản phẩm", nam sinh viên chia sẻ thêm.
Tham gia cuộc thi trong hơn một tháng, các thành viên phải cân bằng việc vừa học, vừa làm và hoàn thành dự án. Để khắc phục, nhóm lập kế hoạch chi tiết, tổ chức những buổi họp và làm việc xuyên đêm để chốt phương án và cùng hoàn thiện các chức năng cần thiết. Từng học cùng nhau tại FUNiX và tham gia nhiều sân chơi công nghệ khác trước đó, nhóm cho biết làm việc ăn ý, phối hợp hoàn thành sản phẩm đúng kế hoạch.
Các bạn chia sẻ về điều tâm đắc nhất với sản phẩm, đó là đã nghiên cứu và tìm ra giải pháp ứng dụng được ChatGPT vào sản phẩm, giúp xác định ý định của người dùng. Điều này cũng chứng minh tiềm năng lớn của ChatGPT: không chỉ dừng lại ở việc hỏi - đáp mà còn làm được nhiều công việc khác nữa. Quá trình này cũng giúp cả nhóm biết thêm nhiều kỹ thuật để tận dụng ChatGPT tốt hơn và dự định tiếp tục phát triển giải pháp trong tương lai.
Ông Nguyễn Hải Nam, thành viên ban giám khảo nhận xét sản phẩm của nhóm có tính khả thi cao, thể hiện sự tìm tòi, nghiên cứu và nỗ lực của các bạn trong suốt quá trình làm việc.
"Các bạn cũng trả lời trôi chảy nhiều câu hỏi sâu về mặt kỹ thuật cũng như các gợi mở tính năng sản phẩm từ giám khảo, cho thấy năng lực và tinh thần nghiêm túc theo đuổi dự án", ông Hải Nam đánh giá.
Chinh phục giải cao nhất trong sân chơi công nghệ quy tụ nhiều sinh viên từ các trường đại học khắp cả nước, Thái Minh cho biết hài lòng khi tinh thần làm việc nhóm và nỗ lực của mỗi người đã được đền đáp.
"Khi tham gia một cuộc thi dưới dạng Hackathon, việc trao đổi liên tục giữa các thành viên rất quan trọng, do trong quá trình phát triển sẽ gặp nhiều vấn đề và cần đưa ra giải pháp ngay lập tức, tránh ảnh hưởng đến tiến độ", Thái Minh chia sẻ.
Phương Linh, cô gái duy trong trong nhóm thì cảm thấy tự hào vì bản thân và các thành viên của đội đã nỗ lực để gặt hái thành quả tuyệt vời. Do sử dụng chủ đề là ứng dụng được ChatGPT - một chủ đề đang hot hiện nay nên tính thử thách của cuộc thi rất lớn. "Chúng mình đã có cơ hội tìm hiểu về vấn đề này và có cái nhìn rất khác về cách sử dụng ChatGPT", Phương Linh nói.
Vân Anh - Quỳnh Anh
Cuộc thi ChatGPT Hackathon do Tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX tổ chức năm đầu tiên tại Việt Nam, diễn ra từ 4/4 - 7/5, thu hút gần 200 thí sinh là sinh viên đại học khắp cả nước dự thi, với 56 dự án tiềm năng.
Vòng chung kết diễn ra ngày 7/5. Các dự án đưa ra hướng giải quyết nhiều vấn đề trong ứng dụng tài chính, giảng dạy, học tập... được ban tổ chức và các giám khảo - là các chuyên gia về AI trong nước đánh giá là có tính sáng tạo cao, nhiều tiềm năng đưa vào thực tế. Bốn dự án đã giành được giải thưởng, tổng trị giá hơn 100 triệu đồng.