Trận chung kết Cuộc đua xe tự hành quốc tế - Cuộc đua số 2018-2019, diễn ra ngày 25/5 ở Hà Nội, đánh dấu bước trưởng thành mới của sinh viên Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ tự hành.
Xe tự hành do sinh viên lập trình không chỉ nhận diện đúng làn, vượt chướng ngại vật, đi qua các cung đường phức tạp như chui hầm, leo cầu, có băng tuyết và ánh sáng thay đổi mà còn tự định vị được vị trí của mình để tìm được đường đi ngắn nhất về đích.
"Trong sân có khu đỗ xe và các đội được yêu cầu đỗ đúng chỗ chứ không phải chỉ quay về vạch đích như những năm trước. Đường hầm cũng là một thách thức mới bởi bóng râm trong hầm làm thay đổi ánh sáng gây khó cho camera nhận biết đường đi. Chiếc cầu to và cao hơn so với mùa đầu tiên cũng là cản trở không nhỏ với thí sinh. Các đội cũng không biết mình sẽ đi đâu và cần đi như nào, đòi hỏi họ phải xác định đúng lộ trình với phần lập trình sẵn để xe tự hiểu đường đi và tự ra quyết định ở những khúc cua", ông Lê Ngọc Tuấn, Trưởng phòng IoT - Ban Công nghệ Tập đoàn FPT, cho biết.
Đề thi của mùa thứ ba được đánh giá khó hơn nhiều so với hai mùa trước. Ở mùa đầu tiên (2016-2017), sinh viên được yêu cầu lập trình để xe mô hình có thể nhận diện làn đường có vạch hoặc vạch đứt, leo dốc, tránh chướng ngại vật cố định. Tới mùa 2017-2018, xe cần nhận diện và thực hiện theo các biển báo rẽ trái, phải, dừng, cũng như nhận diện đường không có làn rõ ràng. Tuy nhiên, hầu hết các bài toán FPT đưa ra tại Cuộc đua số năm nay đã được các sinh viên giải thành công và chứng minh khả năng về công nghệ của người trẻ Việt không thua kém gì các nước phát triển trên thế giới.
Ông Phan Vương Tuấn, Giảng viên Đại học Greenwich (Anh), chia sẻ: "Khi nhận đề từ ban tổ chức, tôi không nghĩ sinh viên có thể làm được, nhưng những gì diễn ra tại trận chung kết đã cho thấy một điều: sinh viên Việt Nam rất giỏi và hoàn toàn có thể làm chủ được các công nghệ mới nhất hiện nay".
Cũng chính độ khó cao nên Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình đánh giá Cuộc đua số là sân chơi mang tầm đẳng cấp quốc tế. "Xe mà các bạn sinh viên đang chơi không khác gì những chiếc xe tự lái với nền tảng công nghệ tương tự đang chạy khắp nơi trên thế giới. Hiện trên thế giới có những xe tự lái chỉ hoàn toàn đáng tin cậy chạy trên đường cao tốc khi có hai làn đường chính xác, trong khi bài toán ở Cuộc đua số khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Và điều mừng nhất là dù khó, sinh viên Việt Nam đã làm được", ông Bình nhấn mạnh.
Cuộc thi lập trình cho xe tự hành Cuộc đua số được FPT bắt đầu tổ chức từ năm 2016. FPT kỳ vọng trong 5 năm, từ sân chơi công nghệ này, sinh viên Việt Nam sẽ đủ kiến thức và năng lực để tự lập trình xe tự hành chạy được trong các nhà máy hay khuôn viên các khu du lịch, góp phần tạo nguồn nhân lực số cho Việt Nam... Khi đó, giới chuyên môn đánh giá đề bài FPT đưa ra tương đối khó bởi ngay cả các "ông lớn" trên thế giới như Google, Tesla... cũng đang nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, với niềm đam mê khám phá, đã có hàng trăm "tay đua" đầu tiên của Việt Nam đưa được những chiếc xe tự hành về đích bằng công nghệ do chính mình phát triển.
Hiện các sinh viên tham gia đã tiếp cận và giải được 10/20 các bài toán thách thức công nghệ tự hành đang đặt ra với hầu hết các hãng trên toàn cầu. Không chỉ có kiến thức cơ bản về công nghệ tự hành tiêu chuẩn, các thí sinh của Cuộc đua số còn có thể ứng dụng để giải quyết một số bài toán về xe tự hành trên thực tế.
Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT, cho biết những công nghệ mà thí sinh Cuộc đua số trải nghiệm khá gần với công nghệ tự hành trên thế giới. Năm nay, FPT đã ký với Ecopark và Yamaha để triển khai thử nghiệm xe tự lái trong khuôn viên của Ecopark. Đội vô địch có thể có cơ hội sử dụng thuật toán của mình chạy trên những chiếc xe như thế.
"Tham vọng của FPT là mang trí tuệ Việt ra biển lớn, ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới", ông Việt khẳng định.
Trong khi đó, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, cho hay: "Cuộc đua số là sân chơi bổ ích cho sinh viên các ngành khoa học kỹ thuật ở Việt Nam, giúp các em trải nghiệm kỹ năng về lập trình, AI, IoT, Robotic, sẵn sàng vươn ra thế giới trong giai đoạn của khoa học công nghệ đang rất phát triển".
Không chỉ trưởng thành hơn, cùng nhau giải quyết những bài toán khó hơn, Cuộc đua số cũng đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ tham gia nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới. Đã có một số câu lạc bộ nghiên cứu về robot, xe tự hành được hình thành tại các trường đại học như CLB Xe Tự Hành tại Đại học FPT, CLB Comlap về xe tự hành của Đại học Lạc Hồng... Một số trường đại học đã đầu tư, trang bị xe mô hình và tổ chức cuộc thi Cuộc đua số ở phạm vi cấp trường, giúp sinh viên nâng cao khả năng học tập, phát triển công nghệ mới như Đại học Thông tin liên lạc...