Khảo sát của National Student Clearinghouse, tổ chức nghiên cứu về xu hướng học tập của sinh viên Mỹ, cho thấy lượng tuyển sinh mùa thu năm ngoái tại các trường cao đẳng cộng đồng đã tăng 2,6% so với năm trước đó. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với bất kỳ loại hình tổ chức giáo dục nào khác.
Mỗi năm, hàng trăm nghìn sinh viên theo học tại các trường cao đẳng cộng đồng với hy vọng sẽ chuyển tiếp lên đại học (chương trình 4 năm), bằng cách chuyển đổi tín chỉ. Con đường này được quảng cáo là cách lấy bằng cử nhân với chi phí rẻ, trong bối cảnh học phí đại học ngày càng tăng. Năm 2022, trung bình học phí và lệ phí của các trường cao đẳng là 3.860 USD (hơn 94 triệu đồng) một năm, trong khi học phí đại học dao động 11.000-39.400 USD (260-960 triệu đồng), tùy trường công hay tư.
Thực tế, khoảng một phần ba số sinh viên học cao đẳng cộng đồng chuyển tiếp sang các đại học. Chưa đến một nửa số này lấy được bằng cử nhân trong 6 năm sau đó.
Theo báo cáo vừa công bố trong tháng này của Trung tâm Nghiên cứu cao đẳng cộng đồng tại Đại học Columbia, Chương trình cao đẳng xuất sắc của Viện Aspen và National Student Clearinghouse, chỉ khoảng 16% sinh viên cao đẳng cộng đồng có bằng cử nhân.
Trở ngại lớn nhất với sinh viên cao đẳng cộng đồng là mất tín chỉ, tức là không được chuyển đổi những tín chỉ đã học khi chuyển lên đại học.
Ricki Korba, sinh viên chuyên ngành Hóa học và Âm nhạc, Đại học bang California, Bakersfield, thuộc trường hợp này. Vào đại học theo diện chuyển tiếp, khi đăng nhập vào tài khoản sinh viên ở Bakersfield, Korba sốc vì hầu hết lớp học trước đây của cô không được công nhận.
Trường từ chối vì cho rằng các lớp này kém nghiêm ngặt hơn so với các lớp ở Bakersfield, mặc dù một số dùng chung tài liệu. Korba phải học lại các môn mà cô từng học và thi đỗ ở cao đẳng. Do đó, cô mất thêm một năm ở đại học, cùng ít nhất 20.000 USD học phí, lệ phí.
"Tôi cảm thấy thật lãng phí thời gian", Korba, 23 tuổi, ở bang California, cho biết.
Korba không phải trường hợp hiếm. Theo bà Lori Beth Way, Trưởng khoa giáo dục đại học tại Đại học bang San Francisco, bảng điểm của sinh viên chuyển đổi luôn được xem xét. Ví dụ, các giáo sư Sinh học sẽ quyết định xem liệu tín chỉ từ một lớp Sinh học ở trường khác có được tính hay không. Nhưng những đánh giá đó có thể bị ảnh hưởng bởi sự kỳ thị và yếu tố tài chính. Một số giảng viên coi thường trường cao đẳng cộng đồng. Từ chối tín chỉ có nghĩa là sinh viên phải học thêm các môn tại trường mới.
Nhiều sinh viên cao đẳng cộng đồng bỏ cuộc còn do chưa được tư vấn đầy đủ. Khi không được trường cao đẳng hướng dẫn rõ ràng, họ có thể tham gia các khóa học không cần thiết. Trong khi đó, các đại học lại có các quy tắc khác nhau để đánh giá tín chỉ chuyển tiếp. Một số cũng kén chọn sinh viên hơn.
Việc phải học lại khiến nhiều sinh viên mất tới hơn 5 năm để lấy bằng cử nhân, thay vì 4 năm như thông thường, làm tăng đáng kể chi phí. Đây là gánh nặng với những sinh viên có thu nhập thấp, vốn chọn cao đẳng cộng đồng để tiết kiệm tiền trước khi chuyển sang đại học.
"Một lần nữa, những sinh viên đó lại gặp bất lợi", Janet Marling, Giám đốc Viện nghiên cứu sinh viên chuyển tiếp, nói.
Để khắc phục, một số bang đã cải thiện hệ thống hỗ trợ sinh viên trong quá trình chuyển tiếp. Ít nhất 35 bang đảm bảo sinh viên sở hữu bằng cao đẳng được chuyển sang các đại học công.
Tại Florida, những sinh viên tốt nghiệp hệ cao đẳng cộng đồng có thể chuyển toàn bộ tín chỉ tới một đại học công lập ở cùng bang. Tại Washington, bằng cấp của các trường cao đẳng cộng đồng được hầu hết đại học công lập của bang công nhận. Trong khi đó, sinh viên cao đẳng cộng đồng ở Texas có thể đồng thời đăng ký khóa học của các đại học trong bang để được nhiều trường chấp nhận tín chỉ đã học.
Bình Minh (Theo CNBC, The Hechinger Report)