Theo thông tin từ cơ quan chức năng, Châu tự viết bảng báo giá các sản phẩm máy ảnh tại website camerajapan123.110mp.com với mức giá được cho là thấp nhất trên thị trường. Tại trang web, khách hàng muốn mua phải đăng ký và gửi tiền cọc tương đương với 20% giá trị sản phẩm. Tiền gửi qua tài khoản ngân hàng được công bố luôn trên trang web.
Châu dùng giấy chứng minh giả đăng ký tài khoản để nhận tiền của khách. Ảnh: C15. |
Theo phản ánh của các nạn nhân, hầu hết tiền gửi đi đều thành công nhưng hàng thì bặt vô âm tính. Hành vi lừa đảo này được thực hiện từ năm 2007, nhưng chỉ mới bị khách hàng khiếu nại vài tháng nay.
Phòng Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C15), Bộ Công an, khu vực TP HCM tiến hành điều tra vụ việc từ tháng 2, đến trưa 21/5, đã khám xét nhà và bắt giữ thủ phạm. Đại diện C15 cho biết, để thuyết phục khách hàng, Châu tỏ ra rất am tường về các loại máy ảnh; trang web cũng có cả địa chỉ cửa hàng (đặt tại Kiên Giang và Cà Mau); phần trả lời trực tuyến qua nick chat; công bố số điện thoại... Sinh viên này còn công bố danh tính chủ tài khoản mang tên Trần Minh Tuấn với 6 số tài khoản khác nhau được đăng ký tại 6 ngân hàng Đông Á, Vietcombank, Agribank, VIBbank, SG Congthuong và ACB.
Cơ quan chức năng cho biết Châu nhặt được chứng minh nhân dân tên Trần Minh Tuấn, sau đó lấy ảnh của mình dán vào, đi đến các ngân hàng mở tài khoản. Khi có khách hàng gửi tiền cọc, Châu lập tức đến ngân hàng để rút tiền ngay.
Đến trưa nay, qua kiểm tra, cơ quan điều tra bước đầu xác định số tiền mà Châu lừa đảo thông qua tài khoản tại Ngân hàng Vietcombank và Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) xấp xỉ 97 triệu đồng. Tài khoản ở các ngân hàng còn lại sẽ tiếp tục được kiểm tra.
Công an cho biết sẽ tiếp tục khám xét nơi thường trú của sinh viên này tại Bến Tre và địa chỉ tạm trú ở quận Thủ Đức, trước khi thông báo đến nhà trường.
Theo đại diện C15, với hành vi phạm tội như trên, Châu có thể bị phạt giam từ 2 đến 7 năm tù.
Thiên Chương