Anh Duy là một trong 11 thí sinh đoạt giải đặc biệt của kỳ thi, diễn ra hôm 9-12/4 tại TP Đà Nẵng. Kỳ thi có gần 700 sinh viên với hơn 800 lượt đăng ký dự thi ở hai môn Đại số và Giải tích, là kỷ lục trong 30 năm.
Để giành giải thưởng này, các thí sinh phải là thủ khoa ở từng môn hoặc đạt giải nhất ở cả hai môn. Anh Nguyễn Lê Duy thuộc trường hợp thứ hai.
Anh Duy nói mê Toán từ ngày học cấp hai. Nhưng khi học hết cấp 3, anh chọn theo học ngành Xây dựng cầu đường ở Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội (cơ sở 2 tại TP HCM), vì nhiều người thân làm nghề này.
Tốt nghiệp, chàng trai người Quảng Ngãi ở lại TP HCM tiếp tục học thạc sĩ ngành cầu đường và làm việc cho một công ty nhà nước. Đến năm 2015, anh Duy quyết định về quê để gần gia đình, được tuyển vào một cơ quan ở TP Quảng Ngãi. Trong thời gian này, anh học thêm văn bằng hai ngành Luật ở Đại học Đà Nẵng để phục vụ công việc.
Năm 2019, một người bạn thân là giáo viên dạy Toán gợi ý anh Duy thử dạy kèm môn này cho một số học sinh. Duy thấy mình vẫn còn nhớ như in những công thức, bài giải từng học thời phổ thông. Được học sinh gọi là "thầy", anh càng hào hứng, thêm yêu thích công việc "tay trái" này.
Năm 2022, anh Duy nghỉ việc, thi vào ngành Sư phạm Toán của trường Đại học Phạm Văn Đồng, tỉnh Quảng Ngãi, và trúng tuyển.
"Lúc đó trường vừa mở khoa Toán, phù hợp với nguyện vọng học gần nhà của mình", anh Duy nói. Một thuận lợi nữa là sinh viên sư phạm được miễn học phí, cùng khoản hỗ trợ sinh hoạt phí 3,6 triệu đồng một tháng.
Nhờ từng nghiên cứu nhiều sách và tạp chí Toán học từ thời phổ thông, anh Duy không gặp nhiều khó khăn trong học tập. Ngay từ năm thứ nhất, anh đã đăng ký tham gia Olympic Toán học sinh viên và học sinh toàn quốc, đoạt giải nhì môn Đại số. Đến năm học này, anh giành giải nhất ở cả hai môn Đại số và Giải tích, làm nức lòng thầy cô và các sinh viên trong trường.
Anh Duy nói giải thưởng có được nhờ sự dìu dắt của các giảng viên trong khoa, cũng như sự ủng hộ của nhà trường. Anh biết ơn các thầy cô đã giúp bản thân tìm lại được đam mê sau một quãng dài "đi lòng vòng".
Thạc sĩ Toán học Phan Bá Trình, giảng viên chính, trường Đại học Phạm Văn Đồng, đánh giá Duy năng động, có tố chất và sự say mê với môn Toán. Anh cũng thể hiện nỗ lực trong cả học tập lẫn cuộc sống.
Theo thầy Trình, thành tích của Duy là sự động viên lớn với nhà trường, cho thấy dù ở tỉnh xa, trường đủ khả năng đào tạo và bồi dưỡng sinh viên giỏi. "Kết quả này còn khơi gợi cảm hứng học tập, nghiên cứu của sinh viên trong khoa", thầy Trình nói.
Anh Duy hiện vừa đi học, vừa đi dạy. Do đó, thời gian hàng ngày của anh hầu như đều dành cho môn Toán.
"Toán học giúp mình cân bằng trong cuộc sống, sau nhiều biến cố", anh Duy nhìn nhận. Sở thích của anh là ra quán cà phê để vừa học, vừa thư giãn. Thi thoảng, anh ghé thư viện trường để xem bản mới của các tạp chí Toán học.
Phạm Linh