Thứ ba, 30/5/2023
Thứ năm, 18/5/2023, 14:04 (GMT+7)

Sinh hoạt tối giản trong căn chung cư 16 m2

Đà NẵngHơn 70 hộ công nhân đang sinh sống 3-4 người trong căn chung cư thành phố cho thuê, diện tích chỉ 16-19 m2.

Dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp Hòa Cầm, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ do Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư, giai đoạn một (2018-2021) hơn 77 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Khu nhà ở khánh thành tháng 10/2020 với ba block, 278 phòng đơn, 7 phòng đôi, giải quyết chỗ ở cho khoảng 600 công nhân. Đến nay, một block bên trái khoảng 70 căn có công nhân ở, chủ yếu là hộ gia đình 3-4 thành viên, hai block còn để trống. Cạnh khu nhà ở là sân chơi thể thao.

Công nhân nộp đơn thuê chung cư và được xét duyệt. Anh Hoàng Minh Hiếu, 27 tuổi, quê Quảng Bình, công nhân Công ty TNHH Việt Nam Tokai, ba năm nay đã thuê căn chung cư 16 m2. Không gian chật hẹp, từ cửa nhìn vào, nhà vệ sinh khoảng 2,5 m2 bên trái, chỗ nấu ăn bên phải, ban công khoảng một m2, diện tích còn lại là chỗ ngủ, khu vực nấu ăn, sinh hoạt.

Vợ anh Hiếu, chị Phạm Thị Minh Thời, 26 tuổi, cũng là công nhân khu công nghiệp Hòa Cầm. Hai vợ chồng chủ yếu đi làm ca ban ngày, khoảng 17h mới về. Trong lúc chị chuẩn bị cơm chiều, anh tranh thủ chơi với con gái 4 tuổi trên chiếc nệm trải tạm, cũng là chỗ ngủ của gia đình ba người.

Hàng tháng, anh chị trả tiền thuê chung cư 350.000 đồng, bao gồm chi phí quản lý, vận hành; tiền điện, nước tính riêng. Anh chị cho biết ngoài không gian ở chật chội, nước sinh hoạt cũng là vấn đề lo ngại. Cuối giờ chiều, các hộ dân cùng lúc sử dụng, áp lực nước yếu không đảm bảo sinh hoạt.

Ngày 17/5, anh Hiếu tổ chức sinh nhật cho vợ. "Do không gian chật, gia đình thổi nến tại chung cư, sau đó mời một vài người bạn ra quán cho rộng rãi", anh Hiếu nói. Gia đình nhiều lúc muốn dẹp bỏ đồ đạc cho rộng rãi hơn, nhưng vật dụng bây giờ là tối thiểu, cái gì cũng cần.

Theo vợ chồng anh Hiếu, nhờ ở chung cư thuê của thành phố nên mỗi tháng tiết kiệm được khoảng 500.000 đồng so với thuê trọ ở ngoài. Nhưng anh chị vẫn hy vọng sớm được nới rộng phòng ở bằng cách thông với phòng bên cạnh, để có thêm diện tích sinh hoạt khi con gái lớn, cần không gian đặt bàn học.

Nhiều công nhân khác cùng công ty cũng muốn thuê chung cư ở khu nhà ở công nhân Hòa Cầm, nhưng "nhìn ở ngoài thì rất rộng, lúc đến xem thực tế thấy quá chật nên họ không muốn ở". Đó cũng là lý do hai block còn lại chưa có công nhân thuê, dù giá rẻ hơn so với thuê ngoài.

Căn phòng của chị Lê Thị Ánh Nguyệt, 35 tuổi, công nhân một công ty điện tử, cũng chật kín đồ đạc. Chị đang mang thai bé thứ hai gần 5 tháng. Nóng bức nhưng vợ chồng không dám lắp điều hòa vì lo trả tiền điện nhiều, ảnh hưởng đến chi phi sinh hoạt khác. Sau giờ làm về, chị tận dụng ánh sáng cuối ngày để sửa soạn bữa tối, dọn dẹp phòng ở.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng tổ chức ngày 12/5, nhiều công nhân cho biết diện tích phòng đơn chỉ 16 m2, quá chật hẹp cho các gia đình sinh sống.

Ông Lê Văn Đại, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng, cho biết diện tích xây dựng phòng ở theo tính toán trước đây là nhà ở đơn lẻ, "một đến hai người ở như sinh viên là rộng rãi". Tuy nhiên, trên thực tế, đa số công nhân thuê để ở theo hộ gia đình nên không gian chật hẹp. Liên đoàn đã kiến nghị thành phố cải tạo, nới rộng các phòng lên 36 m2.

Gia đình anh Nguyễn Văn Hòa, 45 tuổi, công nhân Công ty Cơ điện miền Trung, bốc thăm thuê được căn chung cư 19 m2, một trong bốn phòng rộng nhất ở block 1. Tuy nhiên, diện tích này cũng chỉ đáp ứng không gian sinh hoạt tối thiểu, anh phải làm thêm gác xép khoảng 3 m2 để có chỗ ngủ cho hai con gái.

Góc thư giãn của anh trong phòng là chiếc bàn học của con gái cạnh cửa sổ. "Tôi không dám mua giường hay bàn ghế uống nước. Buổi tối, hai con gái ngủ trên gác xép, vợ chồng trải nệm ngủ dưới nền. Ngủ xong thì gấp nệm bỏ vào góc", anh Hòa nói.

Nguyễn Huỳnh Bảo Châu (áo vàng, học sinh lớp 3) học bài lúc mẹ nấu ăn, trong khi em gái Nguyễn Huỳnh Bảo Ngọc (5 tuổi) chơi trên gác xép. Sang năm Bảo Ngọc vào lớp 1, vợ chồng anh Hòa lo lắng chưa biết sẽ kê thêm bàn học cho con ở góc nào.

Mỗi tháng, gia đình anh Hòa trả 508.000 đồng tiền thuê căn chung cư này, nộp 3 tháng một lần. Lương công nhân của vợ chồng được hơn 10 triệu đồng. Anh Hòa cho biết ở chật hẹp cũng coi tiết kiệm được chút tiền lo cho hai con ăn học. "Nếu thông phòng rộng nhưng giá cao hơn thì cũng khó khăn cho công nhân", anh Hòa nói.

Ban công chung cư rộng chừng một m2 luôn treo kín quần áo. Đợt Covid-19 bùng phát, công nhân phải chuyển ra ngoài thuê phòng trọ, nhường khu nhà cho thành phố cách ly F1.

Cuối giờ chiều là khoảng thời gian đông vui nhất của khu nhà ở công nhân, khi người lao động tan ca, trẻ tan học về.

Chị Nguyễn Thị Chiến, 38 tuổi, quê Thanh Hóa, công nhân nhà máy nhựa, tranh thủ bồng con giúp hàng xóm rảnh tay nấu cơm tối. "Ở đây chật chội nhưng tình cảm. Cùng là cảnh công nhân nên chúng tôi hỗ trợ nhau trông con, nấu ăn và chia sẻ khó khăn trong cuộc sống", chị Chiến nói.

Chung cư có 5 tầng, di chuyển bằng một cầu thang bố trí giữa tòa nhà. Công nhân kiến nghị được lắp cầu thang máy để thuận tiện cho những bà bầu đi lại, hoặc khi vận chuyển đồ đạc nặng.

Theo ông Trần Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, chi phí cải tạo, nới rộng phòng ở và lắp thêm thang máy dự kiến 15,8 tỷ đồng.

Sau giờ đi làm, công nhân tranh thủ chăm sóc rau và cây ăn quả tại khoảng vườn nhỏ trước khu nhà ở. Ông Phạm Văn Thành, 49 tuổi (áo tím than), quản lý khu nhà ở công nhân, cho biết trước đây khu vực này cỏ mọc um tùm. Ông đã kêu gọi công nhân cải tạo cảnh quan, trồng thêm rau xanh cải thiện bữa ăn.

Các phòng ở tầng một của hai block chưa bố trí người ở, trong đó có nhiều phòng đôi diện tích hơn 40 m2. Ông Thành cho biết thành phố đang có chủ trương cho thuê 4 căn đôi. "Chúng tôi kiến nghị việc cho thuê phải ưu tiên các hộ đang sống ở đây đấu giá trước. Vì nhiều gia đình chồng đi làm công nhân nhưng vợ ở nhà không có việc làm", ông Thành nói và mong muốn sau khi cho thuê sẽ hình thành các quầy tạp hóa, quán ăn phục vụ công nhân.

Cạnh vườn rau mới được cải tạo giữa ba block là khu tập thể dục của người lớn. Nhiều công nhân thường xuyên đi làm ca, về nhà tranh thủ nghỉ ngơi nên ít sử dụng các tiện ích này.

Ông Thành cho biết, ngoài thiếu khu vui chơi, khu nhà ở công nhân cũng chưa có nhà trẻ, các gia đình phải mang con đi gửi nơi khác. "Tôi mong muốn sẽ có khu nhà bóng hoặc cầu trượt cho các cháu nhỏ. Hiện tại đã có gần 100 trẻ em nhưng quá thiếu sân chơi", ông Thành nói thêm.

Nguyễn Đông