Đầu tháng 9, chị Kiều, 25 tuổi, lĩnh tháng lương cuối của công ty trong Sài Gòn rồi đóng gói hành lý về quê xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy chuẩn bị sinh nở. Hai tuần trước ngày chị Kiều dự sinh, 20/10, trời bắt đầu mưa lớn kéo dài, gây ngập lụt sáu tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Bình. Nước vừa rút, Kiều trở dạ.
0h ngày 14/10, chồng Kiều gọi taxi đến Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy. Bốn tiếng sau, cậu bé nặng 3,2 kg chào đời sau ca sinh thường. Nữ hộ sinh đặt con vào tay Kiều, dặn nghỉ ngơi, "ba ngày nữa được về nhà".
Nhưng đến tối 17/10, mẹ con Kiều đang khăn gói đợi xuất viện thì trời mưa to. Lần này, Lệ Thủy là tâm lũ. Dòng nước màu nâu tràn vào sân, qua bậc tam cấp, đổ vào sàn bệnh viện. 200 bệnh nhân và gần 50 bác sĩ, y tá nháo nhào chạy lũ. Gần 70 bệnh nhân tầng 1 được di chuyển lên tầng 2, tầng 3.
Kiều thoáng nhìn xuống sàn, hít mạnh một hơi. Ôm chặt con 2 ngày tuổi, chị tháo tất, nhúng chân xuống dưới dòng nước lạnh buốt, chậm rãi vượt qua 48 bậc cầu thang để lên tầng 2. "Giá chồng ở đây", chị nghĩ, nước mắt tự nhiên trào ra.
Anh Phong chồng Kiều lúc này đang đứng giữa ngã tư đường tỉnh và quốc lộ 1A, bị chia cắt bởi biển nước mênh mông. Trên tay anh, cặp lồng cơm thịt heo, canh cá thu với rau cải đem vào cho Kiều vẫn nóng hổi.
Trong viện, Kiều và mẹ chồng chỉ còn 10 gói mì tôm mua từ lúc lũ bắt đầu lên. Điện bị cắt, có mì nhưng không đun được nước sôi, mẹ con Kiều bóp vụn, vốc từng nắm bỏ miệng. Giữa hành lang tối của bệnh viện, người đau nằm lẫn sản phụ, tiếng trẻ sơ sinh khóc thi thoảng lại vang lên.
Cuộc gọi thứ hai của anh Phong là vào sớm 19/10, khi đó điện thoại Kiều chỉ còn gần 20% pin. Anh báo tin sẽ cùng anh em ngư dân mang thuyền đi cứu hộ bà con bị lụt. Bà mẹ trẻ trông ra biển nước ngút ngát trước cổng chào bệnh viện, nhắc chồng: "Anh đi, nhưng sau lưng anh là em và con, nhớ cẩn thận". Phong cười, hứa hẹn lũ rút sẽ mang thuyền tận nơi đón hai mẹ con.
Đứa bé ngoan, không quấy khóc, đêm đó nghĩ về chồng, Kiều không thể chợp mắt. Song nỗi lo của bà mẹ sớm nhường chỗ cho vấn đề sát sườn. Bệnh viện mất nước, chục tấm tã phơi ba ngày vẫn ẩm vì mưa gió. Còn già lít nước trong chai, mẹ con Kiều chỉ dám uống dè, không dám đánh răng, rửa mặt. Gói khăn ướt còn vài chục tờ, Kiều ưu tiên dùng lau cho thằng nhỏ.
Mẹ chồng Kiều đi hết buồng trong, khoa ngoài xin tã của sản phụ mới vào. Sợ con dâu lạnh, bà lấy thân mình chắn vào đằng gió thổi, liên tục mở nắp lọ dầu tràm ra xức xức, xoa xoa vào lòng bàn tay, bàn chân, vào trán con dâu và đứa cháu nội. "Ngày xưa tau sinh nở 5 bận, không bận nào khổ như ri", bà khóc nói.
Bụng Kiều lúc nào cũng lục sục vì đói, nhưng mở gói mì ra lại thấy đầy bụng. Đoàn cứu trợ thực phẩm đầu tiên đến vào tối 19/10, chính là chiếc ghe của chồng Kiều. Toàn thân ướt sũng, Phong vẫy tay với vợ, không kịp lên thăm con, đành bơi thuyền về ngay vì sợ đêm tối, nước mênh mông nguy hiểm. Anh mang theo túi quần áo bẩn vợ gửi về giặt. Bữa tối cứu trợ có cơm trắng, thêm 2 miếng thịt lợn kho và nửa quả trứng, Kiều ăn hết sạch.
1h sáng 19/10, ở xã Phong Thủy, cách chỗ chị Kiều 3 km, một bà bầu khác trở dạ. Chị gọi cho chồng là anh Minh Tuấn, 35 tuổi, đang ở TP Đà Nẵng: "Lát em đi thuyền vào viện". Tuấn người Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, vợ quê Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Hai người làm việc và sinh sống tại Đà Nẵng đã nhiều năm. Tháng cuối thai kỳ, chiều ý vợ, anh đưa chị về quê ngoại để có mẹ chăm sóc. Anh ở lại công tác, đợi khi vợ chuyển dạ sẽ về.
Sau cuộc gọi của vợ, Tuấn bật dậy, chưa biết sẽ về nhà bằng cách nào, nhưng trấn an vợ chắc nịch: "Mai anh về với em". Mưa lũ, nhiều chuyến xe khách hủy hành trình từ Đà Nẵng tới tất cả tỉnh trở ra Bắc. Tuấn cả đêm hì hụi tìm hết hội nhóm trên mạng xã hội đến nhóm đi ké, xe cứu trợ... để đi nhờ về Lệ Thủy.
Sau không biết bao nhiêu cuộc điện thoại và tin nhắn, Tuấn cuối cùng bám được một ôtô chở đồ cứu trợ từ Đà Nẵng ra quê vợ. Biết ở nhà mất điện, mất nước, áo quần không kịp chạy, anh cuống cuồng mua sắm được ít thịt hộp, ruốc, bánh mì, xúc xích và vài bộ quần áo, chia thành hai túi nylon, rồi vác lên vai.
Lúc 19h ngày 19/10, Tuấn điện cho vợ báo: "Anh sắp về". Gần một ngày trong cơn trở dạ, vợ Tuấn vẫn chưa sinh, thều thào trong cơn đau, an ủi chồng: "Con trai nó đợi anh tới mới chịu ra đó nghe chưa".
Quốc lộ 1A ngập 1,2 m, ôtô phải vòng qua con đường tránh ven biển để tới điểm tập kết đồ cứu trợ, đợi bốc hàng lên ghe, đi phân phát tới các điểm ngập. 23h đêm 19/10, khi còn cách vợ chỉ 8 km, Tuấn phải dừng lại ở biển nước mênh mông. Đây cũng là nơi hai ngày trước, anh Phong bần thần cầm giỏ cơm nấu cho chị Kiều mà không cách nào mang vào được.
Đêm đó, Tuấn xin nghỉ nhờ một nhà dân. Mấy thanh niên thấy Tuấn trằn trọc suốt đêm, vỗ vai khuyên anh giữ sức, mai dậy sớm kiếm ghe. Đêm thức trắng thứ hai có thêm tiếng mưa xối xả và tiếng gió đập cửa thùm thùm.
5h sáng 20/10, chỉ đợi ngoài đường rục rịch tiếng ghe chở lương thực vào các xã, Tuấn vội trùm áo mưa, áo phao, vắn cao ống quần chạy ra ngoài. Gần 9h, Tuấn mới leo lên được chiếc thuyền đến gần bệnh viện.
Hơn một giờ lênh đênh trên sóng, nước mưa rơi rát mặt, con thuyền nhỏ bị sóng đánh ngày càng xa đích, Tuấn bám chặt mép thuyền, ngồi im không dám cử động. "Giờ thì mình hình dung ra, hành trình đến viện của vợ đêm trở dạ là như thế nào", anh nói. Quãng đường từ nhà vợ đến cổng viện, ngày thường chưa đầy 10 phút đi ôtô, nhưng mùa lũ thì là cả hành trình dài hiểm nguy.
Đặt chân tới viện sau ba lần chuyển thuyền, toàn thân anh ướt sũng, riêng hai túi đồ áo quần lương thực vẫn khô nguyên. Mặc dòng nước đục ngầu quấn ngang bụng, Tuấn cuống cuồng chạy đi tìm vợ. Chị vẫn đang nằm đợi anh nắm tay mình qua cơn vượt cạn.
Thống kê thiệt hại ban đầu, tại Quảng Bình mưa lũ làm ít nhất 7 người chết, 14 người bị thương; hơn 7.500 tấn lương thực (lúa, gạo) bị ướt; nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị nứt gãy, hư hỏng; nhiều trường học, trạm y tế bị cô lập, ngập sâu 1-3 m; 30.000 hộ dân trên toàn tỉnh phải di dời.
Thanh Lam