Tôi không khỏi xót xa cho đứa bé sơ sinh, cặp bố mẹ chưa kịp đến tuổi trưởng thành.
Việc một học sinh lớp 7 có cảm xúc giới tính không phải vấn đề gì nghiêm trọng mà là sự phát triển tâm sinh lý hoàn toàn bình thường. Nhưng mức độ dấn thân vào tình yêu của những đứa trẻ thời nay, theo quan sát của tôi, đã khác thời trước. Tình yêu học trò của thế hệ 8X chúng tôi thường dừng lại ở mức tương tư, viết thư cho nhau, nhìn trộm nhau lúc này lúc khác, hoặc hẹn hò đi học chung.
Tôi từng phụ trách chuyên mục "Góc tâm tình" của tờ Áo Trắng - một ấn phẩm dành cho tuổi thanh thiếu niên, với bút danh "Long alô". Trong hơn 9 năm gỡ rối cho các bạn đọc tuổi teen, khoảng 80% câu hỏi tôi nhận được là về tình yêu, giới tính. Các em phần lớn băn khoăn về cách ứng xử với thứ tình cảm mới lạ đang nảy sinh và lớn dần lên trong tâm hồn mình: "Em để ý một anh lớn hơn hai khóa, cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ văn nghệ. Em chưa biết ngỏ lời làm sao. Em có nên nói ra tình cảm này?" hoặc "Em yêu một bạn lớp dưới, mỗi lần đi chơi tụi em có nắm tay, thi thoảng có hôn bạn nhưng em rất sợ... bạn ấy có bầu. Anh giúp em với".
Trẻ thời nào cũng vậy, không giấu được lòng mình khi tình yêu ập đến và khó cưỡng được sự tò mò khám phá những trạng thái mới lạ của cảm xúc và cơ thể. Tôi thường phì cười trước sự hồn nhiên của các em. Nhưng không ít lần, tôi cảm thương và mơ hồ lo lắng trước những câu hỏi ngây ngô về giới tính, như "sợ có bầu vì hôn". Lẽ ra ở lứa tuổi học sinh (từ cấp THCS đến THPT), các em phải nắm rõ kiến thức sơ đẳng về giới tính, sức khoẻ sinh sản. Nếu được giáo dục đúng và đủ, trẻ sẽ có ứng xử phù hợp và không phải ngập ngừng gửi đi những câu hỏi đầy hoang mang như vậy.
Những ca sinh con như bé gái ở Bắc Giang không phải là trường hợp cá biệt, mà xảy ra tại nhiều nơi ở Việt Nam. Trong khi điều kiện sống đã thay đổi, dinh dưỡng tốt hơn khiến những đứa trẻ dậy thì sớm hơn; xã hội cởi mở hơn khiến quan hệ tình cảm, tình dục bắt đầu sớm hơn, thì việc trang bị kiến thức về giáo dục giới tính vẫn chưa bắt kịp nhu cầu của trẻ.
Hậu quả là mang thai, phá thai ngoài ý muốn. Theo một nghiên cứu về hành vi sức khỏe học sinh do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tháng 4/2022, tỷ lệ quan hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi ở Việt Nam tăng gấp hai lần, từ 1,45% năm 2013 lên 3,51% năm 2019.
Một nghiên cứu khác của Tổ chức dịch vụ dân số quốc tế (PSI) ước tính trên 10% nữ giới Việt Nam chưa kết hôn trong độ tuổi 15-24 từng ít nhất một lần mang thai ngoài ý muốn.
Cảm xúc yêu đương, dù xuất hiện sớm, cũng không phải điều gì sai trái, nhưng quan hệ tình dục sớm lại là chuyện khác.
Pháp luật Việt Nam quy định không truy cứu hình sự với hành vi quan hệ tình dục đồng thuận với người từ đủ 16 tuổi. Nhưng các chuyên gia sức khỏe sinh sản khuyến cáo không nên quan hệ tình dục trước tuổi 20 đối với nam và trước tuổi 18 tuổi với nữ. Quan hệ tình dục ở những mốc tuổi nhỏ hơn sẽ gây ra hệ luỵ nghiêm trọng. Việc mang thai có thể ảnh hưởng tới khả năng phát triển chiều cao, chức năng sinh lý, dẫn tới hiện tượng sinh non, gây dị tật ở trẻ sơ sinh. Quá trình dùng thuốc tránh thai khẩn cấp, nạo phá thai có thể gây vô sinh, để lại tổn thương thể chất, tâm thần đối với người mẹ.
Nếu được trang bị những kiến thức cơ bản này, chi tiết hơn nữa càng tốt, các bé gái sẽ hiểu, cân nhắc và biết cách tự bảo vệ mình tốt hơn. Nếu hiểu luật pháp đầy đủ thì các nam thanh niên sẽ bớt liều lĩnh quan hệ với trẻ vị thành niên. Nhưng các con số thống kê cho thấy, trẻ đang lớn ngày một nhanh trong khi thầy cô, bố mẹ vẫn loay hoay trong việc cùng con khôn lớn.
Với tính chất là một loại giáo dục đặc biệt, mang tính riêng tư cao, tôi cho rằng, việc trang bị kiến thức giới tính, sức khoẻ sinh sản không nên phó thác hoàn toàn cho thầy cô và nhà trường. Gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Bố hãy trò chuyện với con trai về sự cần thiết được bạn nữ "say yes" (đồng ý) và vai trò của bao cao su; mẹ và chị gái lớn trong nhà có thể thủ thỉ với các bé gái về thân thể, những giới hạn và hệ quả (có thể đối mặt) khi bước qua các giới hạn đó. Khác với không gian lớp học đông đúc, khó chia sẻ tỉ mỉ vấn đề tế nhị, dễ gây ngại ngùng này; thì bối cảnh thân tình, kín đáo trong gia đình là nơi không thể phù hợp hơn để đi đến tận cùng ngóc ngách câu chuyện khó nói. Bổ ích và thiết thực hơn cả kiến thức sách vở, trải nghiệm của bố, mẹ hay người anh, người chị trong nhà là "tài liệu tham khảo" quý giá cho những đứa trẻ mới lớn.
Những cuộc trò chuyện như vậy cũng sẽ là cơ hội để bồi đắp đời sống tinh thần của từng gia đình - vốn đang được dự báo là thiếu kết nối và lỏng lẻo trong xã hội hiện đại ngày nay.
Nếu "nói với con về tình dục" vẫn là chuyện khó với ngay cả bố mẹ thì cũng khó có thể buộc thầy cô, nhà trường hay xã hội phải chịu trách nhiệm về con mình trước những điều "trót dại".
Lưu Đình Long