Trong số các chủng tộc, phụ nữ châu Á có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ cao hơn. Tỷ lệ này ước tính trên thế giới là khoảng 15%, tại Việt Nam 20%. Trên thực tế đái tháo đường chưa được cộng đồng quan tâm và hiểu đúng, theo tiến sĩ Nguyễn Khoa Diệu Vân, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai. Khi phát hiện mình bị bệnh, có chị em hốt hoảng, có người mặc kệ, không biết chế độ ăn kiêng thế nào hợp lý, cần hoạt động thể chất thế nào, sau sinh thì dùng thuốc gì...
Thai phụ được các bác si tư vấn về bệnh đái tháo đường thai kỳ. |
Trong khi đó nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều tai biến nguy hiểm cho cả mẹ và con. Nguy cơ trẻ tử vong trong tuần đầu tiên sau sinh tăng gấp 4 lần so với bình thường; tỷ lệ hạ đường huyết sơ sinh trên lâm sàng tăng hơn 20 lần so với mức bình thường. Với người mẹ, nguy cơ sinh non tăng gấp đôi; nguy cơ khởi phát chuyển dạ tăng hơn gần 3 lần. Hơn 50% phụ nữ có tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ sẽ trở thành đái tháo đường tuýp 2 trong 10 năm sau sinh.
Những người có nguy cơ cao bị đái tháo đường thai kỳ là người bị béo phì; tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường; bị rối loạn dung nạp glucose hoặc đái tháo đường thai kỳ trước đó; hội chứng buồng trứng đa nang; tiền sử sinh con to, đa ối; hiện tượng đường có trong nước tiểu. Ngoài ra những người có bị thai lưu nhiều lần, sinh non cũng nên tầm soát đái tháo đường, tiến sĩ Vân cho biết.
Đánh giá yếu tố nguy cơ bằng bảng câu hỏi dưới đây:
Số thứ tự | Câu hỏi | Trả lời: Có/Không |
1 | Bạn có tăng cân hay tăng cân rất nhiều? | |
2 | Gia đình có ai mắc hay từng mắc đái tháo đường? | |
3 | Bạn có hơn 25 tuổi không? | |
4 | Trong lần mang thai trước, bạn có từng bị đái tháo đường thai kỳ, thai lưu hay sảy thai, bé sinh to hơn 4 kg? | |
5 | Bạn có từng bị hội chứng buồng trứng đa nang? | |
6 | Bạn có từng bị các bệnh lý liên quan đến insulin, đường huyết như kháng insulin, bất dung nạp glucose hoặc tiền đái tháo đường? | |
7 | Bạn có bị cao huyết áp, cholesterol cao và/hoặc bệnh tim không? | |
Tổng câu trả lời là "có" |
Theo tiến sĩ Vân, nếu có 2 câu trả lời "Có" trở lên thì được xếp vào nhóm nguy cơ cao. Khi đó chị em có thai phải đến bác sĩ nội tiết để tầm soát sớm. Nếu kết quả xét nghiệm lần đầu âm tính thì sẽ được kiểm tra tiếp khi tuổi thai vào tuần 24-28.
Nếu có một câu trả lời "Có", chị em được xếp vào nhóm nguy cơ trung bình, chỉ cần xét nghiệm lại khi tuổi thai ở vào khoảng giữa 24-28 tuần.
Nếu không có câu trả lời "Có" nào thì được xếp vào nhóm nguy cơ thấp. Thai phụ có thể không cần làm xét nghiệm hoặc kiểm tra khi tuổi thai 24-28 tuần.
Liệu pháp dinh dưỡng cùng thay đổi lối sống có hiệu quả kiểm soát 80-90% các trường hợp đái tháo đường thai kỳ. Vì thế, tiến sĩ Vân khuyến cáo đái tháo đường thai kỳ có thể chữa khỏi. Điều quan trọng là thai phụ cần có một chế độ ăn cân đối hợp lý và tốt cho sức khỏe, luyện tập thể lực đều đặc, duy trì cân nặng hợp lý, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và luôn biết đường huyết của mình là bao nhiêu.
Nam Phương