Tuần này, Singapore báo cáo hai cụm dịch mới. Cụm dịch thứ nhất liên quan đến bệnh viện Tan Tock Seng, đến nay có 13 người dương tính, gồm bác sĩ, y tá, nhân viên và các bệnh nhân. Cả 4 nhân viên bệnh viện đều đã được tiêm đủ hai liều vaccine. Ổ dịch thứ hai liên quan đến nhân viên hải quan ở sân bay Changi. Hiện 7 thành viên gia đình người này đã mắc Covid-19.
Gần đây, các cụm dịch lẻ tẻ xuất hiện ở Singapore. Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong liên hệ tình trạng tái nhiễm và tái bùng phát Covid-19 ở nước này với thế giới. Ông nhận định Singapore đang ở mức "cảnh giác cao độ".
Giới chức y tế tuần này đã phong tỏa 4 khu ở bệnh viện Tan Tock Seng. Tất cả các nhân viên sẽ được xét nghiệm, người ngoài bị cấm ra vào khu khám bệnh.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Singapore ghi nhận khoảng 61.000 trường hợp nhiễm nCoV. Khoảng 90% trong đó là từ lao động nhập cư. Năm ngoái, virus lây lan ở những khu ký túc xá đông đúc, chật chội.
Tình trạng này tiếp diễn trong những tuần gần đây. Vừa qua, quốc gia ghi nhận 27 người đàn ông dương tính nCoV. Nguồn lây đầu tiên là một lao động nhập cư người Bangladesh mắc Covid-19 từ tháng trước. Bộ Y tế cho biết 5 trong số 27 người có khả năng đã tái nhiễm.
Tiến sĩ Ling Li Min, Bệnh viện Rophi, cho biết trước đó, Singapore đã may mắn tránh được các cụm dịch trong bệnh viện. Hiện tại, khả năng bùng dịch ở các cơ sở y tế cao hơn do các ca nhiễm không triệu chứng, triệu chứng nhẹ.
Bà Ling nói: "Điều quan trọng là đảm bảo không có cụm dịch trong bệnh viện nào nữa, vì rất nhiều bệnh nhân tại đó có nguy cơ chuyển nặng nếu mắc Covid-19. Điều này như lời nhắc nhở nCoV nguy hiểm đến thế nào. Dù chúng ta đã cố gắng, đôi khi những sự cố nhỏ vẫn xảy ra".
Tiến sĩ Leong Hoe Nam, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, tỏ ra lo lắng hơn. Theo ông, các cụm dịch tại cơ sở y tế là "bước ngoặt rõ ràng" trong công cuộc chống dịch của Singapore. Ông chỉ ra rằng nguồn lây của bệnh viện Tan Tock Seng có thể là một người đàn ông 57 tuổi, đến viện ngày 18/4 và xét nghiệm dương tính 10 ngày sau đó. Giới chức y tế chưa đưa xác nhận thông tin này.
"Có thể bệnh nhân là nguồn siêu lây nhiễm và người này đã không đeo khẩu trang trong suốt quá trình đến viện", tiến sĩ Leong nói. Ông cho biết vì lý do sức khỏe, nhiều người cao tuổi đến các cơ sở y tế không thể đeo khẩu trang hoặc chưa được tiêm chủng.
Singapore cũng phát hiện nhiều trường hợp tái nhiễm nCoV. Đến nay, các nhà khoa học chưa rõ người đã khỏi Covid-19 có khả năng miễn dịch với virus trong bao lâu. Covid-19 khác với sởi, thủy đậu - những mầm bệnh mà con người chỉ mắc duy nhất một lần trong đời.
Nghiên cứu gần đây do Public Health England thực hiện cho thấy hầu hết người từng nhiễm nCoV có kháng thể chống virus trong ít nhất 5 tháng. Các nhà khoa học dự đoán bệnh nhân đã bình phục có nguy cơ nhiễm bệnh thấp hơn 83%.
Trang tin khoa học Stat của Mỹ cũng báo cáo hiện tượng tái nhiễm nCoV rất hiếm. Song các nhà khoa học cho biết cần có thêm dữ liệu và phân tích thực tế để xác định chắc chắn hơn. Bộ Y tế Singapore từng cảnh báo khả năng miễn dịch ở người từng mắc Covid-19 có thể suy yếu, khuyến cáo không lơ là cảnh giác.
Tình hình thêm phức tạp khi biến thể nCoV xuất hiện ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Ví dụ, tại thành phố Manaus của Brazil, các nhà khoa học cho rằng người dân đã đạt miễn dịch cộng đồng khi khoảng ba phần tư dân số nhiễm virus. Tuy nhiên, biến thể P1 xuất hiện và tạo ra đợt bùng phát mới. Với 4 loại biến thể nguy hiểm (nguồn gốc từ Anh, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi) lưu hành đồng thời trên toàn cầu, tình hình dịch bệnh tại Singapore có thể diễn biến xấu nếu mất cảnh giác.
Tình trạng nhiễm nCoV sau khi tiêm chủng cũng khiến nhà chức trách cảm thấy lo lắng. Tuần trước, chính phủ Singapore tuyên bố người đã tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm nCoV. Tuy nhiên, quan chức vẫn khẳng định vaccine hiệu quả ngăn ngừa đa số các ca nhiễm có triệu chứng, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong cho hầu hết người đã tiêm.
Bộ trưởng Giáo dục Lawrence Wong ngày 30/4 kêu gọi người dân Singapore không phản ứng thái quá với tin tức người đã tiêm phòng vẫn nhiễm nCoV. Ông nhận định ý nghĩ vaccine không có tác dụng với virus là "sai lầm lớn nhất".
Đến nay, khoảng 15% dân số Singapore đã được tiêm đầy đủ hai liều Pfizer-BioNTech hoặc Moderna. Giới chức tin rằng vacicne có tác dụng từ 15-18 tháng, sau đó cần tiêm nhắc lại.
Thục Linh (Theo SCMP)