"Chỗ nào chính xác là điểm kết thúc của một đất nước, và là điểm bắt đầu của hai chế độ? Vì vậy người Hong Kong cũng như chính quyền trung ương ở Bắc Kinh phải làm việc cùng nhau. Tình thế này rất mong manh", ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore hôm qua nói khi được hỏi về các cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Theo Straits Times, ông Lý cho rằng mô hình một đất nước hai chế độ đã "tạo ra một khoảng trống cần diễn giải", vì việc vẽ ra những ranh giới là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, thủ tướng Singapore cảnh báo nếu các bên khác tham gia và sử dụng tình hình để "gây sức ép hay thay đổi" Trung Quốc, tình hình có thể trở nên phức tạp.
Ông Lý nhấn mạnh "thực tế địa chính trị là Hong Kong hiện là một phần của Trung Quốc", và Trung Quốc đang sẵn sàng để "đi rất xa" nhằm giúp Hong Kong thành công. Tuy nhiên, theo thủ tướng Singapore, Bắc Kinh không muốn Hong Kong "trở thành một vấn đề bên kia sông Thâm Quyến".
Sông Thâm Quyến là ranh giới giữa thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông và đặc khu hành chính Hong Kong.
Hàng chục nghìn người t tuần trước đã đổ ra đường phố Hong Kong, kêu gọi phổ thông đầu phiếu. Họ phản đối những hạn chế bầu cử, trong đó Bắc Kinh sẽ xét duyệt trước các ứng viên trong cuộc bầu chọn ra người giữ chức trưởng đặc khu Hong Kong.
Chính phủ Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối với chính quyền Hong Kong trong việc xử lý các cuộc biểu tình và kêu gọi Mỹ cùng các nước khác không can dự vào tình hình nội bộ của Trung Quốc.
Trọng Giáp