Không có giọt nước mắt nào ở điểm số cuối cùng của Halep tại Paris hôm thứ Bảy vừa qua. Cũng không có màn mừng chiến thắng theo kiểu quỳ gối, hay nằm xuống sân Philippe Chatrier như các đồng nghiệp thường thực hiện. Khi Sloane Stephens trả bóng rúc lưới ở match-point, Simona Halep giơ hai tay lên, và nở nụ cười hạnh phúc.
Tay vợt Romania mừng chức vô địch Grand Slam đầu tiên, giản dị và mạnh mẽ như cách mà cô vượt qua những khó khăn để đến với cái đích của cuộc đời.
Sự tổn thương về thể xác và tinh thần đến với Halep từ 10 năm trước. Halep khi đó là thiếu nữ 17 tuổi, và được nhớ đến phần nhiều vì sở hữu vòng một “quá cỡ”. Dù nằm ngoài top 300 thế giới, cô vẫn nhận được quan tâm và theo đuổi của đông đảo cánh mày râu nơi quê nhà Constanta (Romania). Nhưng điều đó không lái được tâm trí Halep khỏi quần vợt, nơi sự nghiệp của cô gái sinh năm 1991 bị đe dọa vì... bộ ngực.
Sự cồng kềnh của cơ thể khiến Halep gặp nhiều khó khăn trong di chuyển và phản xạ. Thậm chí có người ác khẩu còn khuyên Halep sớm giải nghệ. Sau khi vô địch giải trẻ Roland Garros, cô đưa ra quyết định dũng cảm, nhằm cứu vãn sự nghiệp: phẫu thuật thu nhỏ ngực. Rõ ràng đó là hành động gây sốc, không chỉ với người thân của Halep, mà còn với người dân Romania. Hàng nghìn CĐV tại đất nước này thực hiện chiến dịch ký qua mạng, mong cô thay đổi ý định. Nhưng Halep mặc kệ. Với cô, không có tình yêu nào lớn hơn quần vợt.
Halep cầm vợt từ năm lên bốn, và chưa bao giờ dành ít hơn hai tiếng mỗi ngày để tập luyện từ khi lên sáu đến nay. Nhiều ngôi sao thể thao từng tuyên bố sẽ làm tất cả để thành công, nhưng hy sinh kiểu như Halep thì chưa ai dám. “Sức nặng của bộ ngực khiến tôi phản ứng chậm, xoay trở khó khăn và không thoải mái khi thi đấu”, tay vợt Romania nhớ lại. “Tôi đã nghĩ rất nhiều về nó. Trước khi phẫu thuật, tôi thấy tên mình ở trang thứ tư trên bảng điểm thế giới. Ước mơ của tôi là xuất hiện trong top 100, ở trang đầu. Và tôi biết mình phải hành động, nếu muốn xuất hiện ở đó”.
Thân hình của Halep cân đối hơn sau khi phẫu thuật, giúp cô di chuyển thanh thoát hơn trên sân. Nhưng những vấn đề khác ập đến. Tay vợt trẻ bị cộng đồng mạng chế nhạo, nhận nhiều sự chỉ trích từ truyền thông, đồng nghiệp và từ chính những người thân. Halep trở nên nổi tiếng, nhưng không phải vì thành tích, mà bởi hành động cắt bỏ ngực có một không hai. "Những anh chàng tại thành phố Constanta cũng không còn quan tâm đến tôi nữa", cô nói.
Thành công là thứ duy nhất có thể giúp Halep chứng minh quyết định của mình là đúng đắn. Nhưng suốt một năm rưỡi sau đó, cô không thể giành vé dự vòng đấu chính của Grand Slam. Nhiều người bắt đầu cho rằng Halep đã... mất cả chì lẫn chài.
Không thể quay đầu lại, Halep chỉ còn cách lấy khát khao và tình yêu với tennis làm nghị lực để vượt qua khó khăn. Nhờ đó, quần vợt nữ thế giới bây giờ mới lại được chứng kiến một số một thế giới thực sự truyền cảm hứng, kể từ sau Serena Williams. Trùng hợp thay, Serena chính là tên tuổi lớn đầu tiên phát hiện ra tài năng của Halep.
Đối đầu nhau tại Wimbledon 2011, Serena thua set đầu, và phải trầy trật mới vượt qua được đối thủ trẻ trên mặt sân sở trường. “Cô gái này mảnh khảnh, nhưng sở hữu sức mạnh không thể tin nổi”, huyền thoại Mỹ nói về đàn em. “Đây không phải hiện tượng. Cô ấy là một tài năng. Tôi chưa thấy ai cao dưới 1m70 sở hữu cú giao bóng uy lực như vậy”.
Tính đúng đắn trong nhận định của Serena sớm được chứng minh ở Grand Slam kế tiếp. Tại Mỹ Mở rộng 2011, Halep, dù dính chấn thương mắt cá, vẫn loại đương kim vô địch Pháp Mở rộng Li Na ngay tại vòng một, với số lỗi đánh hỏng chỉ bằng một phần ba tay vợt Trung Quốc. Giới chuyên môn bắt đầu nhận ra, ở Halep không chỉ có sức mạnh, mà còn là sự bền bỉ, chính xác. Lối đánh của cô hội tụ đủ yếu tố để trở thành nhà vô địch trong tương lai.
Nhưng sự nghiệp quần vợt cứ như trêu đùa Halep. Bốn năm kể từ ngày phẫu thuật, cô thấy tên mình trên trang đầu bảng điểm WTA, đúng như ước muốn. Chỉ có điều, tay vợt top 50 thế giới đánh đâu thua đấy, dự từ giải to đến giải nhỏ mà không mang về lấy nổi một chiếc Cúp. Sau Rome 2013, nơi Halep thắng cả ba tên tuổi hàng đầu thế giới là Kuznetsova, Radwanska và Jankovic mà vẫn không thể vô địch, cô đã cay đắng thốt lên: “Từ giờ tôi sẽ không ra sân với áp lực phải thắng nữa. Tôi sẽ tận hưởng từng khoảnh khắc trên sân, chơi với tất cả niềm đam mê mà không bận tâm đến điều gì khác”.
Suy nghĩ đó của Halep như thần chú giúp cô vượt qua những rào cản trong cuộc đời quần vợt, điều mà bản thân tay vợt Romania có lẽ cũng giật mình khi liên tưởng lại. Thứ Bảy vừa qua, khi bị Stephens dẫn 3-6, 0-2 và đối mặt nguy cơ nối dài mạch toàn thua tại chung kết Grand Slam, Halep cũng tự giải phóng bản thân bằng suy nghĩ: “Thôi hãy cứ tận hưởng trận chung kết này đi”. Kết quả, tay vợt 27 tuổi càng chơi càng hay, thắng ngược đối thủ Mỹ 3-6, 6-4,6-1, giải cơn khát danh hiệu lớn.
Quay lại thời điểm năm năm trước, điều gì xảy đến sau tuyên bố của Halep? Chỉ một tháng sau phát biểu chua chát, cô giành danh hiệu WTA đầu tiên tại Nuremberg. Thêm một chức vô địch nữa đến ngay tuần kế tiếp. Chỉ trong sáu tháng cuối năm, Halep giành sáu danh hiệu, trong đó có lần đầu đăng quang ở cấp độ WTA Premier tại New Haven. Cùng năm, cô lần đầu đi tới vòng bốn Grand Slam, tại Mỹ Mở rộng, và leo một mạch lên số 11 thế giới. Sự nghiệp của tay vợt Romania đã thay đổi quá nhanh sau câu thần chú đó. Cô đoạt giải tay vợt thăng tiến mạnh nhất năm 2013.
Như nắng hạn gặp mưa rào, sự nghiệp của Halep giàu sức sống trở lại. Cô vươn tầm thành một tay vợt lớn thực sự, vào đến chung kết Roland Garros 2014 (thua Sharapova) và thậm chí leo lên số hai thế giới ở ngay năm sau đó. Không ai quên những khó khăn mà Halep từng trải qua, cô bắt đầu trở thành tấm gương về nghị lực và sự dũng cảm trong thể thao.
Thăng tiến nhanh nhưng không hề khoa trương, Halep dần chiếm được tình cảm và sự quan tâm của khán giả toàn cầu. Chính Halep chứ không phải những Serena Williams, Eugenie Bouchard, hay Maria Sharapova, mới là tay vợt nữ được truy cập nhiều nhất trên trang chủ của WTA suốt hai năm 2014 và 2015.
Nhưng đời thể thao ngắn, nên không thể ngủ dài. Halep cũng như khán giả, không thể mãi hài lòng với việc vượt qua quá khứ. Thước đo của một tay vợt lớn, đặc biệt là sau khi lên số một thế giới, không gì khác ngoài danh hiệu Grand Slam. Halep lại bị gắn mác “Nữ hoàng không ngai”.
Cơ hội đến khi tượng đài Serena nghỉ sinh con, nhưng Halep liên tục bỏ lỡ, dù cô là người ổn định nhất WTA hai năm qua. Năm ngoái, cô để thua tay vợt trẻ Ostapenko tại chung kết Roland Garros khi đã thắng set một và dẫn break trong set hai, thậm chí có thêm hai cơ hội giành break nữa. Đó là trận đấu mà Halep thừa nhận đã lo lắng đến mức “quặn thắt dạ dày” trước trận, dù đối thủ chưa từng vô địch một giải WTA.
May mắn lại tiếp tục ngoảnh mặt với Halep. Cô dính chấn thương mắt cá trong trận đấu với một “Nữ hoàng không ngai” khác là Wozniacki tại chung kết Australia Mở rộng đầu năm nay. Tổng cộng, Halep thua tới bảy trong tám trận chung kết gần nhất cô tham dự, bao gồm hai Grand Slam.
Vận đen thì không thể giải quyết bằng dao kéo, mà chỉ có thể bị xóa bỏ bởi nghị lực. Halep đã đứng lên ở nơi mang đến nỗi thất vọng nhất cho cô: sân đấu Philippe Chatrier. “Tôi chắc chắn sẽ quay trở lại đây và giành chiến thắng tại chung kết”, đó là lời phát biểu của Halep sau trận thua đau trước Ostapenko năm ngoái. Trải qua những thất bại liên tục, Halep chưa một lần mất đi niềm tin rằng cô sẽ chạm tới giấc mơ Grand Slam, ngay cả khi bị đẩy vào chân tường.
Trận đấu với Stephens cuối tuần qua, Halep đã chơi đến mức tưởng như “không thể thở”, như lời cô nói. Nhưng kể cả khi sức cùng lực kiệt, tay vợt Romania vẫn mải miết chạy theo từng điểm số khi đã dẫn 5-0 ở set cuối, hệt như cách cô quyết tâm lúc bị dẫn sau giờ thi đấu đầu tiên. “Kiên nhẫn và không bỏ cuộc, đó chính là chìa khóa của thành công”, cô đúc kết.
Đó cũng là điều khiến Halep trở thành một vận động viên với cá tính đặc biệt. Cô đã vượt qua trận chung kết Roland Garros – trận đấu như một bản tóm tắt sự nghiệp của tay vợt Romania: căng thẳng và khốc liệt, tàn nhẫn và dai dẳng, khó khăn và dễ gây ra tổn thương.
Sau 40 năm, quốc ca Romania mới lại vang lên tại lễ trao giải Grand Slam. Còn Halep, bây giờ đã có thể trở về quê nhà Constanta, và ngủ những giấc thật sâu.
“Nữ hoàng" đã có ngai vàng.
Nhân Đạt