Alexander Zverev vượt ngưỡng. Trước giải, mọi con mắt đều đổ dồn vào Alexander Zverev, khi tay vợt 21 tuổi vô địch hai giải chuẩn bị và suýt hạ Nadal ở chung kết Rome Masters. Tay vợt người Đức chưa một lần đi quá vòng bốn Grand Slam, nhưng vẫn được coi là ứng cử viên cho chức vô địch.
Bóng ma Grand Slam lại ám ảnh cậu em nhà Zverev. Ba trận đấu liên tiếp từ vòng hai đến vòng bốn, tay vợt Đức thua hai trong ba set đầu, trước những đối thủ có thứ bậc thấp hơn nhiều. Zverev thoát hiểm trong cả ba lần, lần đầu đi tới tứ kết Grand Slam. Không chỉ vượt qua giới hạn về thể lực, Zverev còn vượt ngưỡng bản thân tại các giải đấu lớn. Không vô địch, nhưng Zverev rút ra được nhiều bài học sau giải đấu. Một trong những điều anh sẽ ghi nhớ đó là tránh đẩy bản thân vào những trận đấu năm set liên tục. Vì tốn quá nhiều sức ở vòng ngoài, Zverev đã không còn là chính anh ở tứ kết, thua nhanh Dominic Thiem.
Không thể đánh bại "siêu anh hùng". Với nhiều cổ động viên, hai ngày đầu Roland Garros vẫn có gì đó thiếu thiếu. Bởi tượng đài Serena Williams vẫn chưa nhập cuộc. Nhưng tất cả đã được thỏa mãn ở ngày thi đấu thứ ba. Rất lâu không xuất hiện, nhưng mỗi khi ra sân, cô em nhà Williams luôn cho thấy sự đặc biệt. Giữa cái nóng 25 độ C ở Paris, Serena vẫn mặc trang phục đen kín bó sát toàn thân, trông chẳng khác nào siêu anh hùng. Bộ đồ giúp Serena tránh được nguy cơ bị máu đông, và dường như còn khiến các đối thủ của cô e sợ.
Trở lại sau sinh, tay vợt sở hữu 23 Grand Slam như bắt đầu tại từ con số 0 ở tuổi 36. Chặng đường mới của huyền thoại quần vợt suôn sẻ qua ba vòng đầu Pháp mở rộng. Cô dừng bước tại vòng bốn, nhưng thực tế là không ai có thể đánh bại “siêu anh hùng” ở giải năm nay. Serena bỏ cuộc trước thềm trận gặp Maria Sharapova vì vấn đề ở ngực, để lại hình ảnh bất diệt của nữ hoàng Wakanda tại giải.
Cecchinato ghi danh vào tâm trí CĐV. Ở một khía cạnh nào đó, Marco Cecchinato xứng đáng là một trong những điểm nổi bật tại giải. Tay vợt Italy thêm gia vị vào món ăn vốn đã rất tuyệt vời tại Pháp mở rộng. Anh thắng ngược Marius Copil 3-2 để có lần đầu đi quá vòng một Grand Slam. Ở vòng hai, anh loại Marco Trungelliti, cái tên được người hâm mộ chú ý với việc lái xe 11 tiếng lúc nửa đêm, để đến Paris dự giải với suất vớt. Chiến thắng như giúp Cecchinato chiếm lấy năng lượng của Trungelliti, để sau đó cháy hết mình trên con đường vào bán kết.
Trên hành trình đó, Cecchinato loại cả hai chuyên gia đất nện - Pablo Carreno Busta và David Goffin, nhưng sự hiện diện của anh tại giải được nhớ đến nhiều nhất ở hai trận đấu khác. Anh loại tay vợt sở hữu 12 Grand Slam Novak Djokovic ở tứ kết, bằng loạt tie-break đầy cảm xúc và dài kỷ lục tại giải, kết thúc với chiến thắng 13-11 cùng tấm vé bán kết. Ở trận bán kết với Dominic Thiem, Cecchinato lại cống hiến một loạt tie-break kịch tính khác. Lần này, anh thất bại 10-12, mất set hai và kết thúc chuyến phiêu lưu.
Hai loạt tie-break chứa đựng những tình tiết bất ngờ, nghẹt thở, những màn hò reo và trên tất cả là những pha bóng đẳng cấp, những điểm winner đầy cảm hứng. Cecchinato để lại ấn tượng đẹp, xóa nhòa ký ức buồn mà mọi người từng nhớ về anh: một tay vợt dàn xếp tỷ số trận đấu.
Chức vô địch thứ 11 của Nadal. Trận chung kết giữa Rafael Nadal và Dominic Thiem sẽ không được nhớ đến bởi thế trận một chiều và kết quả chênh lệch. Nhưng nó đánh dấu cột mốc có một không hai trong Kỷ nguyên Mở: lần đầu tiên có một tay vợt vô địch tới 11 lần tại Grand Slam.
Rafael Nadal đã làm điều đó không dễ dàng như kết quả hiển thị sau trận đấu. “Vua đất nện” tỏ ra căng thẳng trong hai set đầu tiên, đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường, tốn tới trung bình 32 giây giữa các điểm giao bóng. Mọi chuyện càng trở nên không ổn khi anh đột nhiên không thể cử động ngón giữa ở bàn tay trái, đúng lúc độ ẩm tăng cao – điều vẫn luôn khiến “Rafa” lo lắng. Bác sĩ chỉ khuyên Nadal uống nước và hãy lấy lại bình tĩnh. Tay vợt 32 tuổi đã vượt qua sự sợ hãi để thắng trận đấu sau ba set. Hết trận, trông anh vẫn kiệt sức. Và khi giữ cup Roland Garros trong tay, anh bắt đầu khóc.
Nadal vẫn thường làm điều khó ai làm được, vượt qua sự căng thẳng và chơi tốt hơn sau khi gặp những vết đau. Áp lực năm nay là rất khủng khiếp, khi Nadal lần đầu phải đối mặt với một đối thủ ở thế hệ kế cận, trẻ hơn và không thua anh về năng lượng. “Nhà vua” phải bảo vệ ngai vàng trước “Hoàng tử”, và Nadal đã làm được. Trong cả giải, Nadal chỉ để thua đúng một set. Và set thua đó không đến từ hai trong số những tay vợt mạnh nhất là Del Potro và Thiem ở hai trận cuối cùng.
“Nhiều người nỗ lực bằng hoặc thậm chí nhiều hơn tôi, nhưng không có được may mắn như tôi. Vô địch 11 lần tại đây quả là một điều ý nghĩa”, tay vợt được ví như "ông Vua sân đất nện" khiêm tốn.
Bước ngoặt sự nghiệp của Simona Halep. “Quần vợt nữ đã hấp dẫn trở lại trong năm nay”, đó là điều chúng ta thường xuyên được nghe ở mùa giải này. Cá tính, sự cạnh tranh, chất lượng trận đấu, tất cả đều được gia tăng khiến WTA trở nên sống động hơn nhiều.
Roland Garros năm nay là minh chứng rõ nét nhất. Ở đó, có những luồng gió mới như Daria Kasatkina, Mihaela Buzarnescu hay Yulia Putintseva. Cũng có những người cho thấy đẳng cấp thăng tiến một bậc, như bộ đôi Mỹ Sloane Stephens và Madison Keys. Những “cựu binh” chơi ấn tượng, như Serena, Sharapova hay Muguruza. Nhưng điểm nhấn lớn nhất phải thuộc về Simona Halep.
Tay vợt Romania thua ngay set đầu tại giải, trước Alison Riske. Màn trình diễn không ổn khiến cô bị đẩy xuống thi đấu ở sân 18 tại vòng ba. Sau đó, Halep thua trước 0-4 và mất set đầu ở trận tứ kết gặp Kerber. Điều đó khiến cô bị xếp cửa dưới trước Muguruza ở bán kết. Đến trận chung kết với Stephens, Halep thua set đầu và mất break sớm trong set hai, đến mức cô phải tự nhủ: “Thôi hay cứ tận hưởng trận chung kết đi”. Đó là thứ cảm xúc khiến các tay vợt trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều. Thời đỉnh cao, Djokovic thường gây ra đau khổ cho đối thủ theo cách như vậy, và giờ quần vợt nữ có Halep. Nhưng khác với “Nole”, Halep không “tát” thẳng những điểm winner khi ở vào trạng thái như vậy. Cô chơi mạnh mẽ hơn, nhưng bớt mạo hiểm hơn. Đánh và chạy, rồi lại đánh và chạy, Halep cuối cùng đã thắng, theo cách đầy khó khăn.
Halep đã nói rằng cô “không thể thở” sau trận, nhưng dám chắc nếu trận đấu có kéo dài thêm, cô vẫn không ngừng chạy theo từng pha bóng. Con đường đến với Grand Slam đầu tiên của Halep nhiều trắc trở chẳng kém con đường sự nghiệp của cô, và điều đó khiến chiến thắng của Halep càng trở nên xứng đáng. Nhất là khi nó đến ở Roland Garros, giải đấu mà cô yêu thích nhất.
Nhân Đạt