Thực phẩm đắt đỏ, nhưng hạ tầng công cộng Na Uy lại rất tốt, từ tàu điện, sân bay, phương tiện giao thông cho đến các trụ sở cơ quan. Những trường đại học mà tôi ghé thăm đều có cơ sở vật chất cực kỳ tốt song chỉ phục vụ số sinh viên nhỏ. Và các đại học đó đều được tài trợ chủ yếu bằng tiền nhà nước.
Các phương tiện, không gian công cộng của Na Uy đều rất hiện đại, mới, đẹp và chắc chắn hơn hẳn so với Paris, London hay Stockholm. Dân Na Uy không có cái vẻ vội vã, chạy cuống cuồng trong khu tàu điện ngầm như ở Paris, London, Tokyo hay Hong Kong. Họ hoàn toàn không phải “đạp nhau” vào giờ tan tầm như ở London hay nhìn quanh quất đề phòng (kẻ gian) khi lên tàu như ở Paris. Nếu ở Stockholm, tôi vẫn còn gặp cảnh sát đứng phát tờ rơi cảnh báo móc túi, hay các phương tiện kiểm soát người đi lậu vé tàu điện và xe lửa thì ở Na Uy không thấy. Không khí thanh bình ở Na Uy toát ra từ những khuôn mặt cười mỉm, cách họ chậm rãi đi lại, mua bán, dường như không lo lắng điều gì.
Vì sao Na Uy đắt đỏ mà người dân lại tỏ ra thảnh thơi như vậy? Tiền đâu ra để gánh cái hệ thống tốn kém này? Đem thắc mắc đi hỏi một chuyên gia kinh tế từng sống ở Na Uy, tôi được giải thích: vì Na Uy có dầu mỏ, và vì quỹ đầu tư tài sản quốc gia kiếm tiền khá tốt.
Na Uy có quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, đang quản lý khoảng một nghìn tỷ USD tài sản. Quỹ này, dưới tên gọi "Quỹ hưu trí chính phủ toàn cầu Na Uy" (SPU) có chỉ số minh bạch Linaburg Maduell - một chỉ số xếp hạng minh bạch chuyên dụng cho quỹ đầu tư tài sản quốc gia - cao nhất toàn cầu. Giám đốc điều hành Quỹ hưu trí của chính phủ Na Uy, ông Yngve Slyngstad, cũng là Giám đốc điều hành của Ngân hàng đầu tư nước này, nằm trong danh sách những người quyền lực nhất thế giới của Forbes.
Điều thú vị là Việt Nam cũng có trong danh sách xếp hạng vào quý 1/2018, và xếp hạng khá thấp, chỉ khá hơn một chút so với nước láng giềng Brunei và ngang với các quỹ quản lý tài sản quốc gia của Arab Saudi, Mexico và Trung Quốc.
Trên trang web của quỹ SPU, bạn có thể thấy lượng thông tin khổng lồ về chuyện quỹ này đang đầu tư vào quốc gia nào, mua các loại cổ phiếu, trái phiếu nào, bất động sản nào, và cả lịch sử nắm giữ các loại tài sản đó, tỷ suất sinh lợi nắm giữ kể từ nhiều năm qua ra sao, bằng cả đồng nội tệ krone của Na Uy lẫn đồng USD.
Khi biết Việt Nam thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một “siêu ủy ban” với tổng tài sản quản lý khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó có 820.000 tỷ đồng vốn nhà nước, tôi nghĩ ngay đến câu hỏi về tính minh bạch và chuyên nghiệp của cơ quan này.
Thứ nhất, tính minh bạch và chuyên nghiệp đầu tiên thể hiện ở cách bổ nhiệm nhân sự, công bố thông tin cho công chúng và giám sát quyền lực. Công chúng phải được hiểu như những cổ đông của Siêu ủy ban này, được thông tin định kỳ và rõ ràng về các khoản đầu tư, hoạt động của các thành viên, biết đến báo cáo hàng tháng, hàng quý có kiểm toán và giám sát độc lập.
Những thông tin đó không thể đóng dấu “mật” mà phải là tài liệu đại chúng, trình bày tiện lợi cho toàn bộ công chúng có thể đọc. Các tài liệu của nhà nước thường rất khó hiểu với người dân. Đại biểu Quốc hội và các cơ quan giám sát cũng phải biết các tập đoàn được Siêu ủy ban quản lý lời lỗ ra làm sao, chứ không phải một ngày đẹp trời, dân ngã ngửa khi biết các “ông lớn” đang nợ cả triệu tỷ đồng, lỗ cả nghìn tỷ đồng, hay lãi nghìn tỷ trong bí mật. Những sự kiện như EVN bị truy thu thuế cả nghìn tỷ đồng, bất chấp lý lẽ của phía quản lý đồng vốn nhà nước đưa ra là gì, gây mất niềm tin cho nhân dân.
Thứ hai, sau minh bạch là vấn đề giám sát và chịu trách nhiệm. Khi dân đã biết được tỷ suất sinh lợi, tình hình vay nợ của tập đoàn rồi thì những người đứng đầu Siêu ủy ban phải chịu trách nhiệm nếu hoạt động quản lý tài sản Nhà nước không được hiệu quả. Những số liệu về hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam những năm qua không mấy lý tưởng. Theo số liệu của Quốc hội, giai đoạn 2011-2016, doanh nghiệp nhà nước có lợi nhuận và nộp ngân sách chỉ tăng bình quân 3%/năm trong khi tổng số nợ phải trả tăng 26% so với 2011. Nếu Siêu ủy ban tiếp tục để tình trạng này diễn ra thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm, và chịu trách nhiệm như thế nào? Cơ quan giám sát nào sẽ có thể kiểm soát quyền lực của một Siêu ủy ban đang quản lý một tài sản quá lớn như vậy?
Chúng ta có thể đi học cách làm của Temasek của Singapore hay quỹ đầu tư của Na Uy về chuyện minh bạch và giám sát. Nhưng học là một chuyện, làm là chuyện khác. Nhà vận hành thị trường chứng khoán Việt Nam cũng rất nhiều lần đi học cách làm của nước ngoài, cũng kiểm toán độc lập, cũng áp dụng quản trị công ty kiểu quốc tế, nhưng vẫn thường xuyên để các công ty báo cáo số liệu không chính xác, lợi nhuận sau kiểm toán giảm đến mấy chục phần trăm, lời thành lỗ.
Vậy, vấn đề nằm ở đâu? Theo tôi là ở chỗ con người, cách thực thi và cách kiểm soát quyền lực. Những thứ này là nhân tố đặc thù làm “địa phương hóa” các bài học quốc tế được đem về áp dụng ở Việt Nam. Cho nên, tranh luận về mô hình quản lý vốn Nhà nước thôi là không đủ, mà phải quan tâm đến con người nào thực thi, cách thực thi, và quyết tâm thực thi nữa. Chìa khóa còn nằm ở sự liêm chính của những người được bổ nhiệm vào Siêu ủy ban và những người có trách nhiệm giám sát họ, chẳng hạn như đại biểu Quốc hội.
Việc một “siêu cơ quan” được lập ra để quản lý một khoản tiền khổng lồ của quốc gia không riêng Việt Nam mới có. Song, với kết quả kém khả quan trong chuyện quản lý vốn Nhà nước mấy năm qua, dễ hiểu khi người ta đặt ra câu hỏi về con đường minh bạch của tổ chức này.
Trang web của quỹ tài sản Na Uy tuyên bố câu này: “Chúng tôi thay mặt quản lý quỹ này giúp người dân Na Uy, cả thế hệ hiện tại và tương lai”. Còn tôi, cũng như những người dân Việt Nam, hy vọng rằng quyết tâm chính trị lần này đủ lớn để Siêu ủy ban sẽ hoạt động "siêu trách nhiệm", tăng được phúc lợi cho dân.
Hồ Quốc Tuấn