
Tiêm kích F-35A Na Uy bay thử ở Mỹ hồi cuối năm 2017. Ảnh: USAF.
"Chúng ta sẽ có một trong những lực lượng không quân mạnh nhất thế giới vào năm 2025 nhờ phi đội 52 tiêm kích tàng hình F-35A. Lo ngại lớn nhất của tôi là liệu chúng ta có đủ tiền và nhân lực để vận hành số máy bay đó hay không", tờ Aftenposten của Na Uy dẫn lời tướng Tonje Skinnarland, tư lệnh không quân nước này, hôm qua cho biết.
Tướng Skinnarland thừa nhận đang có chênh lệch rất lớn giữa số phi công tối thiểu để vận hành những chiếc F-35A với lượng học viên không quân được đào tạo hàng năm. Sự thiếu hụt kỹ thuật viên cũng là vấn đề đáng báo động với không quân Na Uy, khi những người mới chưa có nhiều kinh nghiệm và hàng loạt nhân viên lâu năm đang chuẩn bị về hưu.
"Tình trạng hiện nay là Na Uy đã mua những hệ thống vũ khí rất đắt tiền, nhưng nền kinh tế không đủ sức hỗ trợ chúng", tướng Øyvind Strandman, người từng phụ trách chương trình đào tạo của không quân Na Uy, nhận xét. Mỗi giờ bay của tiêm kích F-35A tiêu tốn khoảng 13.000 USD, trong khi chi phí đào tạo phi công lên tới 7 triệu USD/người. Đây được coi là gánh nặng không nhỏ với ngân sách quốc phòng Na Uy trong những năm tới.
Không quân Na Uy đặt mua 52 tiêm kích tàng hình F-35A từ Mỹ với trị giá gần 10 tỷ USD. Đây là khoản chi tiêu quân sự lớn nhất của Oslo trong nhiều năm qua. Nước này đã nhận bàn giao 7 chiếc, nhưng chúng sẽ phải nằm trong lều bạt dã chiến cho tới năm 2020 do không có nhà chứa máy bay chuyên biệt.