F-35C thử nghiệm cất hạ cánh trên tàu sân bay
Cấu trúc đầu cánh tiêm kích F-35C không đủ chắc chắn để mang được tên lửa AIM-9X khi xảy ra nhiễu động không khí, dẫn tới nguy cơ gãy cánh máy bay. Đây là kết luận của ông Christopher Bogdan, giám đốc chương trình phát triển máy bay F-35, trong báo cáo trước Quốc hội Mỹ, theo Aviation Week.
Tập đoàn Lockheed Martin phải thiết kế đầu cánh máy bay mới và đang chờ thử nghiệm, trước khi đi vào sản xuất. Nếu thành công thì loại đầu cánh này sẽ được thay thế lên các tiêm kích đã sản xuất. Do chịu nhiều gián đoạn trong quá trình phát triển, tiêm kích F-35 phải mang tên lửa đời cũ hơn những mẫu máy bay trong biên chế hải quân Mỹ như F/A-18.
AIM-9X là phiên bản mới nhất của dòng tên lửa tầm ngắn AIM-9 Sidewinder do Mỹ chế tạo. Nếu không thể mang loại tên lửa này, F-35C sẽ chỉ có pháo 25 mm để tự vệ khi đánh cận chiến với đối phương. Ngoài ra, tên lửa tầm gần cũng rất hữu hiệu trong việc tiêu diệt mục tiêu nhỏ, bay thấp và chậm như trực thăng hay máy bay không người lái.
F-35C là phiên bản dành riêng cho hải quân Mỹ, có một số đặc điểm khác với mẫu F-35A của không quân và F-35B của thủy quân lục chiến. Trong đó bao gồm việc khung thân và càng đáp được gia cố để cất hạ cánh trên tàu sân bay, cánh tiêm kích có thể gập để tiết kiệm diện tích và bổ sung thêm móc hãm đà phía đuôi.
Các vấn đề liên quan tới chương trình phát triển tiêm kích F-35 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Gần đây nhất là việc tiêm kích này không đủ khả năng mang vũ khí để tấn công mục tiêu di động. Nếu mục tiêu mặt đất di chuyển với tốc độ cao, F-35 sẽ gần như bất lực trong việc tiêu diệt chúng. Điều này buộc Mỹ phải nghiên cứu và tích hợp bom dẫn đường GBU-49 với khả năng tính toán tốc độ mục tiêu lên tiêm kích F-35.
Lã Linh