Sự phát triển không ngừng của công nghệ, đặc biệt là cuộc chạy đua của các nhà sản xuất trong lĩnh vực thiết bị di động (điện thoại, máy tính bảng...) khiến mảng kinh doanh này ngày càng sôi động. Để đáp ứng nhu cầu tăng lên của khách hàng, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước năm qua không ngừng mở rộng quy mô, tăng cường quảng bá cho thương hiệu của mình.
Năm 2013, hệ thống FPT Shop mở rộng vùng phủ đến 49 tỉnh thành với 100 cửa hàng, doanh thu đạt 2.980 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với 2012.
Pico cũng có siêu thị thứ 6, MediaMart kịp khai trương siêu thị thứ 8 trước khi kết thúc năm 2013. Riêng Trần Anh mở thêm tới 6 siêu thị trên địa bàn Hà Nội, nâng tổng số cửa hàng toàn chuỗi lên 10. Doanh thu Trần Anh cả năm đạt hơn 1.867 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1,3 tỷ đồng.
Tuy được đánh giá là lĩnh vực tiềm năng và chưa khai thác hết, sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp trên thị trường với hệ thống từ vài cho tới hàng chục cửa hàng đã khiến miếng bánh co nhỏ lại. Việc các thương hiệu không ngừng mở rộng quy mô và không giấu giếm mong muốn chiếm lĩnh thị trường khiến một số chuyên gia e ngại tính mạo hiểm khi ôm tham vọng chờ thời cơ.
Theo số liệu của công ty khảo sát thị trường GFK và AC Nielsen, doanh số ngành bán lẻ điện máy hiện chỉ đạt 1,2-1,3 tỷ USD một năm, tương đương 40% tổng nhu cầu tiêu thụ 4 tỷ USD của thị trường Việt Nam. Như vậy, 60% thị phần còn lại đang trở thành mục tiêu mà các nhà bán lẻ điện máy hướng tới.
Trao đổi với VnExpress, Phó Tổng giám đốc hệ thống Thế giới di động Trần Kinh Doanh nhận định 2013 thực sự là một năm khó khăn đối với các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ di động nói chung. Tuy nhiên, với việc các đơn vị tích cực mở rộng địa điểm bán lẻ, ông vẫn đánh giá đây là dấu hiệu tích cực "bởi có kinh doanh tốt thì mới đầu tư thêm được".
"Đến thời điểm này cá nhân tôi vẫn chưa nhận thấy có doanh nghiệp nào tỏ ra thiếu lạc quan hay chùn bước, nên thị trường năm tới tiếp tục hứa hẹn nhiều điều thú vị, nhất là khi nhà sản xuất có những đột phá về mặt sản phẩm", ông Doanh lạc quan.
Trong năm 2013, các nhà sản xuất cũng như doanh nghiệp bán lẻ không ngừng tung ra sản phẩm và các đợt khuyến mại để kích cầu mua sắm. Những mẫu máy giá rẻ, thời trang vẫn được lựa chọn nhiều do vừa đáp ứng được thị yếu, vừa hợp với túi tiền của đại bộ phận người tiêu dùng Việt Nam. Có hãng còn giảm 50% giá sản phẩm đã có tuổi đời trên thị trường hơn một năm, tạo những đợt "sóng" đánh vào tâm lý người dùng.
Ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc chuỗi cửa hàng điện thoại Mai Nguyên cho rằng lý do để thị trường di động vẫn đạt tăng trưởng tốt dù kinh tế khó khăn là do tâm lý người dùng. "Khách hàng vẫn chịu chi với di động, họ thường có sở thích thay đổi điện thoại", ông chia sẻ. Sếp doanh nghiệp nhận định di động thay đổi giá liên tục nên doanh nghiệp phải tập trung cao độ, theo sát thị trường để có thể tồn tại.
Chia sẻ về dự định trong năm tới, lãnh đạo các đơn vị đều khẳng định phải tập trung hoàn thiện bản thân để tiếp tục con đường kinh doanh của mình. Ông Nguyên nói: "Ngoài việc ổn định hàng hóa, hệ thống, chúng tôi phải tập trung vào chiều sâu và khai thác những thế mạnh của mình. Nếu doanh nghiệp nhỏ không tìm lối đi riêng sẽ không thể đứng vững cùng các ông lớn".
Một số chuyên gia cho rằng mảng kinh doanh thiết bị di động năm 2014 sẽ tiếp tục khó khăn, tăng trưởng chậm, cuộc đối đầu của các nhà bán lẻ sẽ càng gay gắt hơn và hiện tượng đào thải sẽ mạnh mẽ.
Tuy nhiên bà Nguyễn Bạch Diệp, CEO FPT Retail (đơn vị sở hữu FPT Shop) lại cho rằng thị trường sẽ tốt lên, sức mua được cải thiện trong khoảng nửa cuối năm nay. "Các nhà sản xuất ngày càng cho ra đời nhiều thiết bị thông minh hơn, lạ mắt và người tiêu dùng Việt nam sẽ có nhiều lựa chọn hơn nữa cho nhu cầu liên lạc, giải trí, làm việc", bà nói.
"Để bán lẻ thành công phải hội đủ rất nhiều yếu tố: tiềm lực vốn lớn, hệ thống quản trị tự động hoá, địa điểm đẹp, xây dựng chuẩn mực và hình ảnh chuỗi cửa hàng, tăng cường dịch vụ phục vụ khách hàng, đội ngũ nhân sự tâm huyết và chịu khó…" bà Diệp chia sẻ.
Anh Quân