Theo cam kết Việt Nam gia nhập WTO, từ ngày 11/1/2010 đến trước ngày 11/1/2015, Việt Nam cho phép thành lập liên doanh để cung cấp dịch vụ liên quan đến sản xuất, trong đó nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 50% vốn điều lệ của liên doanh. Sau ngày 11/1/2015, Việt Nam cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Như vậy, lộ trình mở cửa cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối của nước ngoài vào Việt Nam theo cam kết WTO chỉ còn hơn một năm sẽ được hoàn thiện. Điều này đặt ra cho các nhà bán lẻ Việt Nam nhiều thách thức, cạnh tranh khốc liệt.
Khi các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, thị trường dự báo sẽ còn phải chứng kiến nhiều sự “đổi ngôi” quyết liệt hơn. Điều cần làm với các doanh nghiệp là con mắt “nhìn xa trông rộng - chiến lược đúng đắn kịp thời” giải quyết bài toán “trường vốn, quản trị chuyên nghiệp, độ bao phủ mạng lưới” để tự khẳng định mình.
Mặc dù rời khỏi top 30 nước dẫn đầu thế giới về độ hấp dẫn kinh doanh bán lẻ cũng như bị ảnh hưởng mạnh vì kinh tế khó khăn, nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn rất tiềm năng để các nhà đầu tư nước ngoài đến khai thác. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm 2012 đạt trên 2,32 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2011. Do sức hấp dẫn trên thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều, nên các nhà bán lẻ nước ngoài đang có mặt tại thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục mở rộng hệ thống kinh doanh như: MetroCash & Carry (Đức), Family Mart, Ministop (Nhật), Lotte (Hàn Quốc)…
“Đối thủ” của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn ngày càng lớn mạnh bất chấp kinh tế Việt Nam 2 năm qua liên tục suy giảm. Điều đó, càng đặt ra bài toán khó hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam để có thể cân bằng “đối trọng” với các doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, sau ngày 11/1/2015, Việt Nam cho phép các doanh nghiệp này được thành lập với 100% vốn nước ngoài thì sức mạnh của họ lại càng khiến các doanh nghiệp Việt Nam không thể chủ quan.
Một “miếng bánh” màu mỡ trên thị trường bán lẻ, phải kể đến các doanh nghiệp trong ngành điện máy Việt Nam. Siêu thị điện máy Nguyễn Kim chọn việc xây dựng “nội lực” trước thông qua việc ổn định bộ máy, quản trị, năng lực vốn… Sau khi “đủ lông, đủ cánh”, doanh nghiệp này mới quyết định “bung” ra các điểm bán bao phủ nhiều tỉnh thành trên cả nước để đi trước trong việc khai thác nhu cầu, phát triển thị trường. Cho đến cuối năm 2012, Nguyễn Kim đã có đến 22 điểm bán trên cả nước, vượt xa nhiều siêu thị điện máy khác.
Ngoài ra, tại thị trường phía Bắc, Trần Anh, Topcare cũng có thể coi là đang đi con đường có nhiều điểm tương đồng với Nguyễn Kim - tập trung xây dựng “nội lực”. Bằng chứng là trong khi nhiều siêu thị điện máy khác như Pico, MediaMart… bất chấp kinh tế khó khăn năm 2011, 2012 vẫn mở thêm các điểm bán thì Trần Anh, Topcare lại “ìm lìm” nghe ngóng, chờ đợi và xoay chuyển tình thế, tránh đi “cơn bão” bất ổn kinh tế. Và khi “nội lực” đã đủ, các siêu thị này nhanh chóng xúc tiến việc mở rộng các điểm bán trong năm 2013. Trong đó, Trần Anh sẽ đạt tổng 10 điểm bán; Topcare ngoài 4 điểm bán đã có, cũng công bố quyết định khai trương thêm 2 điểm bán mới - một ở Minh Khai vào tháng 6 và một ở trung tâm thành phố Hà Nội vào tháng 7, diện tích mỗi điểm bán ít nhất sẽ là 1.500m2.
Mai Thương