Trong Thế chiến II, các cường quốc đều chạy đua chế tạo những loại tăng siêu lớn, sở hữu hỏa lực vượt trội so với đối phương. Nhật Bản được cho là nước duy nhất không có ý định sản xuất phương tiện như vậy, nhưng các tài liệu được giải mật cho thấy họ từng chế tạo và thử nghiệm một siêu tăng có khối lượng tới 100 tấn, theo War History.
Tháng 8/1939, thất bại nặng nề trước Hồng quân Liên Xô trong trận đấu tăng lớn nhất ở Khalkhin Gol khiến đế quốc Nhật nhận ra rằng họ không chỉ phải tránh đối đầu với Liên Xô, mà còn phải sở hữu những chiếc xe tăng hạng nặng thay thế cho thay xe tăng hạng nhẹ Type-95 Ha-Go và tăng hạng trung Type-97 Chi-Ha để đối phó với Mỹ và quân Đồng minh.
Tới năm 1940, đại tá Hideo Iwakuro thuộc Bộ Chiến tranh Nhật Bản ra lệnh cho lực lượng kỹ thuật quân đội phát triển mẫu tăng có trọng lượng khoảng 26 tấn, gấp đôi tăng Type-95 Ha-Go.
Bản thử nghiệm đầu tiên ra đời cuối năm 1940 có trọng lượng lên tới 100 tấn, với kíp lái 11 người và sở hữu hỏa lực rất mạnh. Nó được trang bị pháo chính 105 mm với 100 viên đạn. Trước tháp pháo chính là hai tháp phụ gắn pháo 75 mm và một khẩu súng máy 7,7 mm.
Mặt trước xe tăng được bọc thép dày 75 mm, chưa kể tấm giáp phụ dày 75 mm được lắp riêng để tăng khả năng chống đạn. Mặt bên và sau đều có giáp dày 35 mm và cũng có thể lắp tấm giáp phụ dày 35 mm.
Người Nhật lựa chọn phương án xe tăng nhiều tháp pháo, trái với thiết kế thường gặp khi đó. Quân đội Anh và Liên Xô đều trải qua nhiều khó khăn với thiết kế này, thúc đẩy họ chế tạo xe tăng chỉ với một tháp pháo. Tuy nhiên, quân đội Nhật có vẻ ưu ái mẫu tăng hạng nặng với nhiều tháp pháo.
Tuy nhiên chiếc siêu tăng 100 tấn này lại trở thành thảm họa ngay từ quá trình thử nghiệm. Ngay sau khi rời khỏi nền bê tông, chiếc xe đã bị lún tới hơn 1 m dưới bề mặt đất ẩm ướt và mềm ở khu thử nghiệm, khiến nó tự đào hố chôn mình mỗi khi chuyển hướng. Các bánh chịu nặng cũng liên tục bị trượt khỏi xích xe.
Khi chạy trên đường bê tông, trọng lượng chiếc xe quá lớn khiến nhiều mảnh xích xe bị xé toạc, bánh chịu nặng tiếp tục trượt ra và cày nát mặt đường. Khối lượng tới 100 tấn vượt quá khả năng chịu của hệ thống treo nên việc di chuyển trên địa hình không bằng phẳng, yêu cầu tối thiểu của một xe tăng, không thể thực hiện được.
Chứng kiến thảm họa này, quân đội Nhật quyết định đắp chiếu chiếc xe tăng, bản thiết kế của nó bị phá hủy hoặc mất tích. Bản mẫu thử nghiệm rơi vào quên lãng, sau đó bị tháo dỡ.
Sau này, người Nhật lại có ý định phát triển mẫu tăng siêu nặng dựa trên ý tưởng từ xe tăng Maus của Đức. Quân đội Nhật yêu cầu tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries thiết kế phiên bản tương tự mang tên "O-I" vào năm 1944.
O-I dài 10 m, rộng 4,2 m và cao 4 m. Nó gồm tháp pháo chính trang bị pháo 105 mm, được lấy từ các khẩu pháo chiến trường của Nhật, cùng một tháp pháo phụ gắn hỏa lực cỡ nhỏ hơn. Mặt trước xe và tháp pháo được bọc giáp dày 200 mm, trong khi phía sau có lớp giáp 150 mm và mặt bên dày 110 mm.
Xe O-I có hình dáng khối hộp, sử dụng hai động cơ xăng V-12 được gắn phía sau. Nó có khối lượng dự kiến tới 120 tấn, chạy trên xích rộng 750 mm với 8 bánh chịu nặng mỗi bên.
Hiệu quả thực sự của O-I không được kiểm chứng, nhưng các chuyên gia quân sự đều cho rằng nó sẽ trở thành một mục tiêu cố định trên chiến trường. Trọng lượng lớn khiến nó không thể tự xoay xở, trong khi việc thiếu sự bảo vệ từ xe tăng hạng nhẹ hay bộ binh khiến nó dễ dàng bị thọc sườn và bọc hậu, hoặc phá hủy bởi máy bay cường kích. Quá trình phát triển O-I bị hủy bỏ vào năm 1945, trước khi thiết kế mẫu tăng này được hoàn thiện.
Tử Quỳnh