Nhà nhân chủng học người Mỹ Scott Carney cho rằng một số "siêu năng lực" bẩm sinh hoặc phát triển thông qua học hỏi ở con người đã giúp tổ tiên chúng ta chống chọi mọi điều kiện khắc nghiệt để tỏa ra khắp thế giới, theo Business Insider.
So với phần lớn những loài động vật khác, con người dường như khá yếu ớt. Phần lớn chúng ta sẽ gặp khó khăn khi phải sinh tồn ở nơi hoang dã dù chỉ một tuần.
Nhưng tổ tiên của chúng ta đi khắp thế giới, băng qua sa mạc rộng lớn như Sahara và những khu vực đóng băng như Siberia, chinh phục những dãy núi hùng vĩ như Alps và Himalaya, thậm chí vượt đại dương để tới những vùng đất mới. Tất cả là nhờ những khả năng đặc biệt như kiểm soát hệ thống miễn dịch hay biến bản thân thành máy định vị.
Kiểm soát hệ thống miễn dịch
Carney bắt đầu tìm hiểu khả năng chống lại các điều kiện khắc nghiệt của con người thông qua nghiên cứu cùng bậc thầy rèn luyện thể chất người Hà Lan, Wim Hof.
Theo Hof, rèn luyện cơ thể thông qua các bài tập thở và tiếp xúc với nhiệt độ lạnh giúp ông có những khả năng tuyệt vời. Cơ thể ông luôn ấm áp, có thể thích ứng nhanh hơn với độ cao, thậm chí kích hoạt hoặc ngăn chặn hệ thống miễn dịch.
Lúc đầu, Carney có phần hoài nghi tuyên bố này của Hof nhưng nhanh chóng bị thuyết phục. Phương pháp rèn luyện ảnh hưởng mạnh mẽ đến thể lực của Hof. Ông có thể leo lên đỉnh núi Kilimanjaro băng giá cao 5.895 m chỉ trong 28 giờ và không cần mặc nhiều áo trong khi hầu hết những người leo núi khác mất một tuần để làm điều tương tự điều kiện thời tiết đẹp.
Các nhà nghiên cứu phát hiện những người học tập phương pháp của Hof đạt đến giới hạn kiểm soát hệ thống miễn dịch của họ, điều trước đây giới khoa học cho là không thể.
Tồn tại ở những nơi có lượng oxy thấp
Nếu từng bay đến vùng có vị trí cao như Mexico City hoặc Cuzco, Peru, sau đó cố gắng đi bộ lên một ngọn đồi, bạn sẽ nhận ra độ cao ở đây khiến việc hít thở trở nên vô cùng khó khăn.
Sau vài ngày, bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Cơ thể thích nghi và hồng cầu bắt đầu thay đổi cách phản ứng và giữ oxy qua đêm, tạo ra những thay đổi kéo dài hàng tháng, giúp bạn sống sót ở những vùng cao nhất thế giới.
Người dân bản địa đã sống trong những vùng này từ hàng nghìn năm nay và phát triển khả năng thích ứng tốt hơn. Họ có thể sống bình thường với lượng oxy rất thấp trong không khí.
Lặn sâu và giữ hơi thở lâu
Khi Raimondo Bucher thực hiện màn lặn sâu 30 m vào năm 1949, các nhà khoa học cho rằng áp lực nước sẽ giết chết ông. Nhưng ông vẫn sống sót, mở ra hoạt động lặn tự do theo phong cách hiện đại.
Các nhà nghiên cứu phát hiện khi chìm trong nước, nhịp tim con người giảm xuống và lượng oxy hít vào rất ít. Trong những năm gần đây, các thợ lặn đã tiếp tục đẩy giới hạn chịu đựng của con người tiến xa hơn. Một số người có thể lặn sâu hơn 200 m và giữ hơi thở trong hơn 22 phút khi ở dưới nước.
Tự sưởi ấm cơ thể
Vận động viên bơi lội Lewis Pugh bơi được rất xa ở Bắc Cực và Nam Cực. Các nhà nghiên cứu tìm hiểu về cơ thể của Pugh kết luận nhiệt độ cơ thể của ông tăng 1,2 độ C trước khi xuống nước. Điều này giúp cơ thể ông tự sưởi ấm, sẵn sàng tiếp xúc với nhiệt độ đóng băng.
Chạy bộ xa nhất hành tinh
Con người có khả năng duy trì tốc độ trên đường chạy dài hơn 32 km, lâu hơn hầu hết các loài khác. Chúng ta có thể tiếp tục chạy và làm mát cơ thể, một ưu điểm vượt trội hơn cả loài ngựa.
Những người chạy bộ đường dài tốt nhất có sự thích nghi đặc biệt. "Dị nhân" Dean Karnazes từng tham gia 50 cuộc chạy đua marathon trong 50 ngày liên tục, năng lực rất hiếm người trên thế giới đạt tới.
Biến bản thân thành máy định vị
Cá heo và dơi có thể định hướng bằng cách phát ra sóng âm, sau đó nhận biết hướng di chuyển nhờ âm thanh dội lại. Thế giới biết tới khả năng tạo ra tiếng dội của con người nhờ Daniel Kish. Là một người mù, ông tạo ra những âm thanh và sử dụng như một máy định vị để đi xe đạp hoặc băng qua những vùng hoang vu.
Theo các nhà nghiên cứu, con người có thể học phương pháp định vị này để nhìn trong bóng tối chỉ sau vài tuần huấn luyện.
Phương Hoa