Nhóm nghiên cứu quốc tế bao gồm nhà khoa học Zhu Weiwei và Li Di ở Đài quan sát quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (NAOC), công bố phát hiện trên tạp chí Astrophysical Journal Letters. Sử dụng phương pháp nghiên cứu tiên tiến kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo học sâu, các nhà nghiên cứu nhận biết chớp sóng mới ký hiệu FRB 181123 sau khi phân tích nguồn dữ liệu khảo sát đồ sộ của FAST.
Phần lớn FRB, tín hiệu vô tuyến bí ẩn từ không gian, chỉ xuất hiện một lần và rất hiếm tín hiệu phát lặp lại. FRB do các kính viễn vọng thu được có một đỉnh mà tại đó, số lượng hạt photon tăng vọt đột ngột. Toàn bộ quá trình giống như sấm chớp bất ngờ lóe lên, thắp sáng bầu trời trong khoảng thời gian cực ngắn trước khi tối lại. Tuy nhiên, FRB nhiều đỉnh có thể lóe lên 2 - 3 lần liên tiếp.
Theo Zhu, FRB mới phát hiện có 3 đỉnh với thời gian giữa mỗi đỉnh là 5 mili giây và năng lượng giải phóng từ xung đầu tiên vượt xa hai xung còn lại. Cấu trúc xung của chớp sóng mới tương tự FRB 121102, tín hiệu lặp lại đầu tiên mà giới nghiên cứu từng quan sát. "Chúng tôi ước tính tín hiệu FRB này đã truyền đi khoảng 10 tỷ năm trước khi được phát hiện bởi FAST vào ngày 23/11/2018.
Li Di, nhà khoa học phụ trách dự án FAST, cho biết tương tự kính viễn vọng quang học, kích thước càng lớn, kính viễn vọng vô tuyến càng nhạy. Việc thu được FRB chứng thực độ nhạy cao và tiềm năng lớn của FAST. Năm 2018, FAST phát hiện một trong những ẩn tinh mờ nhất. FRB là lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng trong thiên văn học. Số lượng FRB đã phát hiện tăng nhanh chóng lên gần 1.000 tín hiệu.
An Khang (Theo People’s China Daily)