Hành trình đó thực sự rất tiện nghi: tàu chạy tốc độ cao nhưng êm ru, chỗ ngồi đủ thoải mái để đọc sách hoặc làm việc. Với người lãng mạn, ngồi trên những chuyến tàu ICE đi xuyên qua những cánh đồng hoa cải mùa hè hay vùng nông thôn đầy tuyết trắng mùa đông là trải nghiệm không thể nào quên. Ấn tượng này khiến tôi luôn lựa chọn đi tàu cao tốc nếu khoảng cách cho phép.
Tôi vẫn thường mơ mộng một ngày nào đó có thể đi một chuyến tàu như thế từ Hà Nội vào Đà Nẵng, hay từ TP. HCM đi Nha Trang, thay vì hành trình kéo dài hơn nửa ngày trên những toa tàu sặc mùi dầu diesel. Và tất nhiên, tàu cũng sẽ có hệ thống toilet hiện đại, thay vì khu vệ sinh cáu bẩn, cũ kĩ, vốn thải trực tiếp xuống đường ray và là ám ảnh kinh hoàng cho hành khách mỗi khi có nhu cầu.
Giấc mơ đó của tôi có thể sẽ thành sự thực sau vài chục năm nữa, khi dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam đang được Bộ Giao thông tái khởi động. Tuyến đường này sẽ dài gấp 100 lần, với mức đầu tư gấp 60 lần so với tuyến metro Nhổn – Ga Hà Nội. Đó thực sự là một siêu dự án thế kỷ nếu so với quy mô nền kinh tế nước ta.
Số vốn dự án ước gần 60 tỷ USD, tương đương 1/3 tổng sản phẩm quốc nội, với thời gian hoàn thành toàn tuyến rơi vào sau năm 2050. Khoản vốn đó tương một nửa số nợ công chúng ta đang phải gồng gánh. Con số này mới chỉ là "dự kiến". Khi siêu dự án này được đệ trình lên Quốc hội lần đầu vào năm 2010, lúc mệnh giá đồng tiền và bối cảnh kinh tế khác hiện nay, số vốn được tính toán cũng là 60 tỷ USD.
Nhưng tôi là người thực tế. Nhìn vào con số khổng lồ đó, tôi lo ngại về khả năng chi trả của nhà nước (đóng góp 80%), trong bối cảnh năm nào ngân sách cũng lo thiếu tiền và còn nhiều dự án ưu tiên khác. Thêm nữa, một dự án dài hơi như thế liệu có hiệu quả về mặt kinh tế? Đóng góp cho phúc lợi người dân ra sao? Tôi nghĩ phía dưới bài viết này, không ít người có những băn khoăn như vậy.
Để giải tỏa những khúc mắc đó, cũng như các dự án khác, đề án thế kỷ này có những đánh giá khách quan ban đầu. Chúng gọi là "nghiên cứu tiền khả thi và khả thi".
Đặc điểm của những nghiên cứu như vậy là nhằm xem xét tất cả yếu tố có liên quan đến việc triển khai dự án. Từ đó, sẽ có những khuyến nghị về số phận của chúng: làm hay dừng, hay nếu làm thì triển khai ra sao để hiệu quả nhất. Nói cách khác, nghiên cứu khả thi là "chốt cửa" cuối cùng để phê duyệt dự án.
Nhưng cách tiếp cận hiện tại: Bộ Giao thông chủ trương xây đường sắt cao tốc, và Bộ này lại đứng ra tổ chức lựa chọn bên thực hiện nghiên cứu tiền khải thi/ khả thi, thì liệu có cách nào để đảm bảo nghiên cứu đó không bị ảnh hưởng từ quan điểm của bộ?
Để giảm thiểu trường hợp vừa đá bóng vừa thổi còi như vậy, các cơ quan chuyên trách của Quốc hội - đại diện cho những người nộp thuế - cần đảm nhiệm việc đánh giá tính khả thi của dự án, hoặc đứng ra lựa chọn bên tư vấn một cách khách quan và độc lập.
Trong quá khứ, những báo cáo khả thi hời hợt đã rất thành công trong việc tô điểm cho các đề án trên giấy. Hầu hết dự án khi xin phê duyệt đều có viễn cảnh rất xán lạn: hiệu quả kinh tế cao, thời gian hoàn vốn thấp, khả thi về đáp ứng nguồn vốn để thi công không bị gián đoạn. Và tất nhiên, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dự án cũng gặp rất ít rủi ro về môi trường, biến động tỷ giá, điều kiện chính trị, ngân sách nhà nước, hay thay đổi công nghệ.
Nhưng hiện thực chứng tỏ chất lượng của báo cáo khả thi có dao động rất lớn. Không khó để đưa ra các ví dụ về những công trình hoàn hảo trên giấy nhưng lại gặp vô số vấn đề khi triển khai, từ việc đội vốn, chậm trễ thi công, cho đến chất lượng không đảm bảo, và nặng nề hơn còn là dấu hiệu sai phạm về tham nhũng. Gần đây, Dự án cải tạo đường sắt Yên Viên-Lào Cai có giá trị 3.400 tỷ đồng vừa bị thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm, trong khi không đạt được mục đích đề ra cả về công suất lẫn thời gian chạy tàu. Tuyến metro ở TP. HCM thì đang bị dọa dừng thi công do không thể đáp ứng nổi nhu cầu vốn, vốn đã đội lên gần gấp 3 lần so với dự kiến.
Khi Bộ Giao thông tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc, đã có nhiều chuyên gia phàn nàn về chất lượng thông tin. Tôi cũng muốn tìm để đọc thử, nhưng đáng tiếc là báo cáo này không được công bố. Có thể các đại biểu Quốc hội – những người có vai trò gác cửa - tiếp cận được báo cáo đầy đủ hơn. Nhưng với hạn chế về mặt thời gian cũng như vấn đề kỹ thuật phức tạp, nếu người dân, đội ngũ chuyên gia trong cả nước, được "nhìn mặt" cái báo cáo tiền khả thi có phải sẽ tốt hơn?
Điều chúng ta muốn chưa hẳn là thứ chúng ta cần. Sẽ khó mà có thể cùng một lúc có những sân bay quốc tế tỷ đô, hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, rồi lại metro ở các đô thị lớn.
Năm tôi rời khỏi trường phổ thông, 2006, dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội được phê duyệt thi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Cho đến bây giờ, sau 12 năm, hàng ngày tôi vẫn đi xe máy dưới những khung bê tông đang hoàn thiện, thi thoảng lập lòe tia lửa hàn mỗi khi ngước nhìn lên lúc dừng đèn đỏ. Mới đây, chủ đầu tư hứa hẹn hoàn thành vào năm 2023, với mức vốn đội thêm là hơn 33% so với ban đầu. Con đường 32 kéo dài đến Cầu Giấy tắc nghẽn trong cả thập kỷ qua, trở thành "hành trình đau khổ" cho những ai phải lại qua mỗi ngày.
Quốc gia nào cũng muốn có đường sắt cao tốc, như mọi gia đình đều muốn có chiếc ô tô hạng sang để đi lại thuận tiện. Nhưng mong muốn cũng cần phải phù hợp với thực tế và năng lực tài chính. Trong tôi, có viễn cảnh chiếc xương cá - hàng cột bên tông dang dở tăm tắp trên đường Xuân Thủy - được nhân lên 100 lần, nằm trải dài dọc tuyến đường nam bắc, và không biết bao giờ mới thành hình hài.
Nguyễn Khắc Giang