Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, sáng nay, tâm áp thấp nhiệt đới chỉ còn cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) chừng 140 km về phía bắc tây bắc. Áp thấp vẫn giữ sức gió cấp 6 (tối đa 49 km/h) và chưa có dấu hiệu mạnh thêm trong một ngày tới.
Với hướng di chuyển chậm về phía tây, đến sáng 12/8, áp thấp còn cách bờ biển các tỉnh Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 400 km.
Hiện, áp thấp nhiệt đới đã gây sóng gió cấp 6 cho giữa biển Đông (gồm cả phía bắc quần đảo Trường Sa). Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam biển Đông (gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6 đi kèm mưa dông mạnh. Nam Bộ và Tây Nguyên có mưa lớn.
Trong lúc đó, ngoài khơi Philippines xuất hiện siêu bão tên quốc tế Utor. Sáng 11/8, tâm bão cách đảo Luzon chừng 480 km với sức gió mạnh cấp 13 (tối đa 149 km/h). Ngày và đêm nay, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây với tốc độ 20 km/h và còn mạnh thêm. Đến sáng mai, bão đạt cấp 14 (sức gió tối đa 166 km/h) và áp sát đảo Luzon rồi vượt qua vào cuối ngày 12/8.
Tính từ đầu năm, Utor là cơn bão mạnh nhất tiến vào biển Đông. Dự báo của các đài khí tượng quốc tế về đường đi của cơn bão dù chưa thống nhất, nhưng đều khẳng định bão chắc chắn gây ảnh hưởng lớn cho đông bắc biển Đông trong những ngày tới.
Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát, Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương, đã chỉ đạo cơ quan khí tượng theo dõi sát diễn biến của bão Utor và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông để sớm có cảnh báo. Còn theo Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương Bùi Minh Tăng, với diễn biến của bão Utor, cần phải theo dõi thêm vì hiện bão còn cách khá xa.
Tính cả bão Utor sẽ vào biển Đông trong khoảng 2 ngày tới, chỉ trong 2 tuần, biển Đông hứng chịu 3 cơn bão, một áp thấp nhiệt đới. Cơ quan khí tượng cho hay, từ nay tới cuối năm còn 7-8 cơn bão, áp thấp xuất hiện trên vùng biển này, một nửa số đó ảnh hưởng tới
Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương 8h30 sáng nay đã có công điện khẩn gửi các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên yêu cầu thông báo cho tàu thuyền biết vị trí, hướng di chuyển của bão và áp thấp nhiệt đới để chủ động thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Trong 24 giờ tới, khu vực nguy hiểm được xác định là phía bắc vĩ tuyến 11, phía nam vĩ tuyến 16 và đông bắc biển Đông. Địa phương phải giữ liên lạc thường xuyên với các chủ tàu, đặc biệt là tàu đánh bắt xa bờ để kịp thời xử lý tình huống xấu có thể xảy ra. |
Nguyễn Hưng