Đến sáng 10/8, sự cố đê điều được ghi nhận tại 4 tỉnh phía Bắc gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hưng Yên. Nặng nhất là tại Bắc Giang, khu vực đê hữu Thương huyện Tân Yên bị sạt lở nghiêm trọng. Một số cung sạt lấn sâu vào mái đê 2-3 m. Ngày 9/8, cung sạt tiếp tục phát triển về thượng và hạ lưu đồng thời xuất hiện cung sạt mới. Tổng cục Thủy lợi đã phê duyệt phương án xử lý cấp bách. Địa phương đang triển khai thực hiện.
Ở khu vực bờ bao sông Cổ Mân huyện Lục Nam xảy ra tràn bờ với mực nước 30-100 cm, trên chiều dài khoảng 1.400 m. Sự cố vẫn đang được xử lý với sự huy động lực lượng lên tới 500 người.
Tại Hưng Yên, ngày 4/8 khu vực cuối kè Nghi Xuyên tương ứng K105+900 đê Tả Hồng xuất hiện cung sạt dài 30 m, mái thẳng đứng, sâu 10 m. Đến ngày 9/8, cung sạt tiếp tục lấn sâu vào phía đê khoảng 5 m, cách nhà dân và di tích lịch sử khoảng 10 m.
Tại Bắc Ninh, có một số sự cố trên tuyến đê Hữu Cầu. Trong đó, tại huyện Yên Phong, khu vực K29+100 xảy ra sạt mái cơ đê phía đồng với chiều dài 40 m, lún 3-10 cm. Nhiều khu vực khác xảy ra thẩm lậu nước trong đồng ra mái đê. Tại huyện Quế Võ cũng có một vị trí bị thẩm lậu nước trong đồng ra mái đê. Các sự cố đang tiếp tục được theo dõi.
Tại Hà Nội, tại Km5 đê La Thạch phía thượng lưu dốc bê tông xuống bị xói lở hàm ếch dài khoảng 30 m. Sự cố được khắc phục trong sáng 9/8. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn địa phương đã chỉ đạo cắm biển cảnh báo, hạn chế không cho nước chảy vào khu vực xói và tiếp tục theo dõi.
Trong lúc đó, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn cho hay, diễn biến lũ trên các sông miền Bắc còn phức tạp, có nơi vượt báo động 3. Lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu đang lên chậm, trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương đã đạt đỉnh là 6,29 m lúc 5h ngày 10/8, ở mức báo động 3 (nguy hiểm nhất).
Hôm nay, lũ trên các sông Đáy, Cầu và Thái Bình tiếp tục lên chậm. Sông Cầu tại Đáp Cầu có khả năng đạt đỉnh 6,4 m vào trưa 10/8, trên báo động 3 là 0,1 m, sau xuống chậm, đến sáng mai 11/8 có khả năng xuống mức 6,1 m (dưới mức báo động 3 là 0,2 m).
Lũ trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương đến sáng mai (11/8) có khả năng xuống mức 5,9 m (dưới mức báo động 3); trên sông Đáy tại Phủ Lý chiều tối nay có khả năng đạt đỉnh ở mức 4 m, (dưới báo động 3 là 0,1m).
Đến sáng nay, đợt mưa lũ do ảnh hưởng bão Mangkhut đã khiến 3 người chết và 2 người mất tích; hơn 100 nhà bị đổ, gần 1.000 nhà bị ngập, hư hại; gần 13.000 ha lúa, hoa màu và hơn 1.400 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập...
Mangkhut là cơn bão thứ 6 hoạt động trên biển Đông trong năm nay. Sau khi đổ bộ vào Thanh Hóa - Ninh Bình vào tối 7/8, hoàn lưu bão đã gây mưa lớn khắp đồng bằng Bắc Bộ, khiến Hà Nội chìm trong đợt ngập úng nặng nhất kể từ 2008.
Cơ quan khí tượng vừa phát tin áp thấp mới hình thành ở giữa biển Đông sáng nay. Lúc 7h, tâm áp thấp cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) ngoài 300 km về phía đông, sức gió cấp 6 (tối đa 49 km/h). Ngày và đêm nay, áp thấp hầu như ít di chuyển, gây gió mạnh, biển động ở giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía đông quần đảo Trường Sa). Ngoài ra, ảnh hưởng của gió mùa tây nam nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam biển Đông (gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh kèm mưa dông mạnh. |
Nguyễn Hưng