Tháng 9/2024, quá trình điều tra mở rộng vụ án 155 nghi phạm gọi điện lừa đảo tại Tam Giác Vàng, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Hà Tĩnh) nhận được hàng loạt đơn trình báo về việc bị lừa qua mạng với rủ đầu tư tiền điện tử Bitcoin trên ứng dụng UNISAT và "làm nhiệm vụ TikTok". Có gia đình kinh tế khánh kiệt vì nạn nhân bị "rót mật vào tai", tin vào những lời hứa hão huyền.
Ban chuyên án xác định các nạn nhân bị một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia "giăng bẫy". Đường dây có khoảng 200 người, trụ sở đóng tại tòa nhà cao tầng ở Philippines, núp bóng dưới vỏ bọc một công ty kinh doanh game bài đổi thưởng. Game bài trực tuyến trước đây được nhà chức trách sở tại cấp phép, song trên thực tế đó là bình phong cho nhóm tội phạm này hoạt động lừa đảo.
"Hàng ngày, chúng đến công ty, mở máy tính sử dụng các phần mềm để gọi điện thoại lừa đảo, dụ dỗ con mồi sập bẫy. Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra thì chúng thoát ứng dụng, mở game vờ thao tác để che giấu hành vi", một cảnh sát nói.
Các nghi phạm khai thủ đoạn lừa đảo. Video: Đức Quang
Theo trinh sát, đường dây này lừa đảo khắp châu Á, do những ông chủ người Trung Quốc đứng phía sau chi tiền thuê trụ sở và nhân lực điều hành. Tại từng quốc gia, chúng sẽ cử ra người bản địa phụ trách. Ở nhánh Việt Nam, có khoảng 60 người tham gia đầu quân, tất cả đều tự nguyện và hám lợi khi tin vào những lời hứa hẹn "việc nhẹ lương cao" từ phía người tuyển dụng, không ai bị ép buộc.
Quản lý chung của nhóm là Nguyễn Thế Anh, 29 tuổi, quê Yên Bái, giỏi tiếng Trung Quốc. Thế Anh đầu quân cho tổ chức tội phạm xuyên quốc gia từ đầu năm 2023, hàng ngày hắn hướng dẫn các nhân viên dưới quyền sử dụng chiêu "người Việt lừa người Việt", bằng cách lập các nick ảo trên mạng xã hội, kết nối và dụ dỗ những người ở Việt Nam tham gia đầu tư tiền ảo và "làm nhiệm vụ TikTok".
Dưới vỏ bọc "doanh nhân thành đạt", khi tiếp cận được các "con mồi" tại Việt Nam, chủ yếu là phụ nữ đơn thân, ban đầu chúng tìm hiểu tính cách, sở thích, lúc cảm thấy thân thiết hơn thì rủ họ kinh doanh thêm để "tích góp cho tương lai". Ở giai đoạn đầu, nhóm lừa đảo sẽ cho "con mồi" thắng vài lần, thu lời vài chục triệu từ đầu tư tiền ảo hoặc mua bán hàng qua sàn giao dịch có giao diện giống TikTok Shop. Tiếp đó chúng rủ đầu tư thêm, gây lỗi hệ thống, bịa ra nhiều lý do để khách hàng nạp thêm tiền sửa lỗi tài khoản, thuế phí... khi không còn khả năng thì thôi.
Thượng tá Nguyễn Phi Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Hà Tĩnh), cho biết trinh sát đã điều tra trên không gian mạng và tới các tỉnh xác minh thông tin mà bị hại phản ánh, sau 3 tháng đã "giải mã" được đường dây.
Theo đó, trong 200 người tham gia lừa đảo ở Philippines thì có 56 nghi phạm là người Việt Nam, nhóm này hoạt động thông qua sự điều hành của Thế Anh. Nếu gặp những "trường hợp khó lừa" thì sẽ xin ý kiến của ông chủ người Trung Quốc.

Bên ngoài tòa nhà ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia), nơi nhóm của Thế Anh ẩn náu để tổ chức hoạt động lừa đảo sau khi bị nhà chức trách Philippines đẩy đuổi. Ảnh: Đức Quang
Lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các cục nghiệp vụ Bộ Công an sang làm việc với nhà chức trách Philippines, chia sẻ thông tin về nhóm tội phạm lừa đảo núp bóng kinh doanh game bài. Cuối năm 2024, chính quyền sở tại đã ngừng cấp phép game bài trực tuyến, cảnh sát thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra, truy quét, đẩy đuổi. Thấy "động", nhóm nghi phạm người Việt Nam do Thế Anh đứng đầu đã chuyển địa bàn sang thủ đô Phnom Penh (Campuchia).
Tại Phnom Penh, nhóm của Thế Anh được các ông chủ Trung Quốc bố trí ăn ở tập trung tại một số căn phòng trong tòa nhà hai tầng, xung quanh khuôn viên giăng thép gai, cử bảo vệ canh gác nghiêm ngặt. Vùng này là một đặc khu, có hàng nghìn người đang làm việc. Để xác định được nhóm tội phạm đang ẩn náu ở phòng nào, tầng nào rất nan giải. Trinh sát nằm vùng suốt vài tháng, cải trang thành người bản địa để tìm hiểu sơ đồ tòa nhà, thu thập chứng cứ.
Tháng 1/2025, chân dung về Thế Anh và 55 nghi phạm trong đường dây đã được làm sáng tỏ. Công an tỉnh Hà Tĩnh sang Campuchia, phối hợp với Bộ Công an và lực lượng liên ngành Campuchia lên phương án "cất vó". Tuy nhiên, thời điểm đó 26 nghi phạm đã về Việt Nam ăn Tết theo đường hàng không, còn 30 người ở lại. Ban chuyên án chốt kế hoạch đột kích cùng lúc tại 3 địa điểm là đặc khu ở thủ đô Phnom Penh, sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất - nơi các nghi phạm nhập cảnh.
"Phải làm đồng thời để các nghi phạm không kịp trở tay. Nếu phá án không cùng lúc, chúng sẽ tìm cách thông báo cho nhau để tìm cách tẩu thoát, khi đó mọi công sức đeo bám nhiều tháng qua sẽ đổ xuống sông xuống biển", một trinh sát nói.
Khoảnh khắc nhóm lừa đảo hàng trăm tỷ đồng bị bắt giữ ở sân bay. Video: Đức Quang - Đức Hùng - Mạnh Nam
Giữa tháng 1, tại Phnom Penh, khi xác định 30 nghi phạm đang làm việc tại tầng một của tòa nhà hai tầng ở đặc khu, hàng trăm trinh sát từ nhiều mũi đã đột kích. Thấy bị lộ, nhóm này tắt máy tính, vứt điện thoại và giấy tờ, chạy sang các phòng khác hòa vào dòng người để lẩn trốn, song đã bị lực lượng chức năng khống chế.
"Chúng tôi đưa lệnh bắt có ảnh chân dung và ghi đầy đủ thông tin, hành vi phạm tội, nhiều nghi phạm tỏ ra bất ngờ, nói không nghĩ bản thân phạm pháp ở nước ngoài lại bị công an Việt Nam bắt giữ", cán bộ điều tra cho hay.
Trong một buổi, ban chuyên án đã bắt 30 người, thu nhiều điện thoại, máy tính cùng tài liệu.
Cùng thời điểm này, tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, hàng trăm cán bộ công an mặc thường phục chia làm nhiều mũi, phối hợp với an ninh của các cảng hàng không "phá án âm thầm". Theo dõi từ xa thấy một nghi phạm hoàn thành thủ tục nhập cảnh, trinh sát liền bám sát, sau đó khống chế trong vài chục giây, thu hết điện thoại cùng một số tang vật để ngăn liên lạc thông báo cho nhau.

Một số nghi phạm bị cảnh sát khống chế. Ảnh: Đức Quang
Theo trinh sát, hai cuộc đột kích tại cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất diễn ra trong một ngày, bởi nhóm tội phạm đi trên nhiều chuyến bay. Mỗi trường hợp bị khống chế từ vài chục giây đến hai phút, đa số đều ngơ ngác, nói không nghĩ sẽ sa lưới. Một số nói "bị bắt oan", song khi cảnh sát đưa các chứng cứ cùng hình ảnh in trên lệnh bắt thì im lặng, cúi đầu nhận tội bảo "em sai rồi".
"Phá án ở sân bay rất phức tạp, cần đảm bảo không tạo ra sự lộn xộn. Chúng tôi phải tạo ra nhất nhiều tình huống bắt giữ để các nghi phạm bất ngờ và không kịp phản kháng, bên cạnh đó tránh gây ra sự kinh động đến hành khách", trinh sát kể.
Thượng tá Nguyễn Phi Hải cho hay khó khăn nhất trong vụ án này chính là thu thập chứng cứ về việc nhóm của Thế Anh đã thực hiện hành vi đối với những bị hại đã trình báo. Nạn nhân sinh sống ở xa thì nhóm tội phạm càng ẩn náu ở nơi xa hơn, tính theo đường hàng không đã hơn 2.000 km, di chuyển rất phức tạp. Nhiều chiến sĩ đã phải xa nhà, nằm vùng nhiều tháng ở nước ngoài để đánh án.
Cơ quan điều tra cáo buộc, tính tới thời điểm bị triệt phá, đường dây của Thế Anh đã lừa hơn 1.000 bị hại ở Việt Nam, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng. Trung bình mỗi nghi phạm lừa hàng trăm bị hại, nạn nhân mất nhiều nhất hơn 20 tỷ đồng.
Hiện Thế Anh cùng 55 người đã bị khởi tố, bắt giam, cấm đi khỏi nơi cư trú về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điều 174 Bộ luật Hình sự.