Thế Anh (29 tuổi, quê Yên Bái) cùng 55 đồng phạm vừa bị Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt tạm giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Nhà chức trách cáo buộc, đường dây này đã lừa đảo hàng nghìn bị hại là người Việt Nam (đa số là những phụ nữ đơn thân), chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Nghi can Thế Anh tại cơ quan điều tra. Ảnh: Đức Quang
Làm việc với cơ quan điều tra, Thế Anh khai sang Campuchia đầu quân cho một công ty chuyên lừa đảo qua mạng từ tháng 2/2023. Nhờ thành thạo tiếng Trung Quốc, sau thời gian ngắn thử việc, Thế Anh được tín nhiệm giao giữ chức quản lý khoảng 60 nhân viên; trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, đánh giá các nhân viên, tổ trưởng dưới quyền.
Công ty do những người Trung Quốc làm chủ, chuyên thực hiện lừa đảo đầu tư tiền điện tử BTC trên ứng dụng UNISAT và "làm nhiệm vụ TikTok". Hằng ngày, Thế Anh và mọi người đến một tòa nhà cao hàng chục tầng "nội bất xuất ngoại bất nhập", làm việc từ 12h đến 0h hôm sau.
Kịch bản lừa được dịch ra tiếng Việt Nam, được Thế Anh gửi vào nhóm kín để tất cả cùng làm theo. Các nhân viên có nhiệm vụ đi kết bạn, tìm khách hàng tiềm năng. Tổ trưởng trực tiếp nói chuyện, rủ "con mồi" đầu tư. Khi có khách chi nhiều tiền, Thế Anh sẽ xin ý kiến chỉ đạo của ông chủ để tiếp tục đưa ra các chiêu trò, dụ dỗ họ nộp thêm tiền đến khi nào dừng thì thôi.
Việc trả lương sẽ được các ông chủ căn cứ theo số tiền chiếm đoạt được. Thế Anh nhận được khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng; tổ trưởng 33 triệu đồng; nhân viên 20-30 triệu đồng. Họ còn được hưởng "hoa hồng" 4-13% tùy trên số lượng bị hại "sập bẫy".
Từ tổ trưởng đến nhân viên đều được giao chỉ tiêu phải tìm được số khách nhất định trong tuần và tháng. Nếu ai không hoàn thành sẽ bị quản lý phạt 20% tiền lương. Trường hợp không làm được việc, muốn về Việt Nam thì phải đóng "tiền đền bù" 20-50 triệu đồng mới được trả hộ chiếu, những người làm lâu năm phải nộp tiền nhiều hơn do "sử dụng nhiều dịch vụ của công ty".
Mỗi ngày Thế Anh phải đến sớm xem nhân viên vào ca đúng giờ hay không, nhắc nhở không được làm việc riêng. Ông chủ cần nói gì với tổ trưởng thì anh ta truyền đạt lại, cuối ngày làm báo cáo gửi lên. "Các quản lý của hai nhánh lừa đầu tư tiền ảo BTC và làm nhiệm vụ TikTok khi gặp 'ca khó' thường trao đổi với tôi để xin ý kiến ông chủ, nghĩ cách đối phó với khách hàng", Thế Anh khai.
Giả doanh nhân thành đạt lừa phụ nữ đơn thân đầu tư Bitcoin
Nghi phạm Nguyễn Quang Phương, tổ trưởng nhánh lừa đầu tư tiền điện tử Bitcoin (BTC) trên ứng dụng UNISAT, khai thường làm quen với những phụ nữ đơn thân, giới thiệu là doanh nhân thành đạt đang sống ở nước ngoài, tìm hiểu các câu chuyện về gia đình.
Theo kịch bản, anh ta sau đó đều đặn gửi những lời chúc vào buổi sáng, trưa và tối để tạo sự chân thành, gần gũi với người phụ nữ. Phương thường tìm hiểu sâu về tính cách, nếu đối phương tâm sự hay đi xem phim, du lịch, mua sắm... thì sẽ lên mạng tải các hình ảnh tương tự về phản hồi, nói bản thân cũng có cùng sở thích như vậy.
"Chúng tôi đánh vào điểm yếu tâm lý của phụ nữ thiếu thốn tình cảm sau khi đổ vỡ hôn nhân, nói sẽ bù đắp để chiếm niềm tin", Phương khai với cảnh sát.
Khi "con mồi" tin tưởng, Phương bắt đầu chuyển sang giai đoạn tỏ tình, nhắn tin dồn dập hàng ngày, quan tâm hỏi han những chi tiết nhỏ nhất trong cuộc sống như động viên ăn uống đều đặn, ngủ đúng giờ... Lúc được nhận lời yêu qua mạng, Phương rủ bị hại tham gia đầu tư tiền ảo BTC "để cùng nhau cố gắng cho tương lai", hứa hẹn đó là sàn giao dịch uy tín, "đặt tiền chỉ có lời chứ không lỗ".
Có rất nhiều mức đầu tư. Lần đầu, Phương rủ "người yêu" chi khoảng 12 triệu đồng để thu lợi nhuận 30%, ngay lập tức tiền gốc và lời sẽ được chuyển thẳng về tài khoản của khách hàng. Lần thứ hai đầu tư 125 triệu đồng, lợi nhuận vẫn là 30% và tiền về ngay sau đó vài chục giây. Lần thứ 3, hắn đưa ra mức đầu tư 20.000 USD, khoảng 500 triệu đồng, lợi nhuận 60%. Sau đó nhóm lừa đảo sẽ tiếp tục nâng hạn mức và lợi nhuận, đến khi nào khách không còn tiền theo nữa thì chiếm đoạt số tiền đã chuyển trước đó, chặn liên lạc.
Phương thừa nhận trong thời gian tham gia đường dây đã lừa hơn 20 người, chiếm đoạt hơn một tỷ đồng. Anh ta cũng nhiều lần bị công ty phạt vì không đủ chỉ tiêu.
Lời khai của nghi phạm Hoàng Hồng Nhung và Bùi Quang Huy. Video: Đức Quang
Sập bẫy vì bị 'rót mật vào tai'
Một nạn nhân quê Hà Tĩnh cho biết, giữa tháng 7 năm 2024 chị kết bạn với một tài khoản Facebook có hình đại diện là một nam doanh nhân thành đạt, đang làm việc tại Đài Loan. Hôn nhân không hạnh phúc nên khi người này thường xuyên nhắn tin quan tâm chị rất mủi lòng, tâm sự nhiều.
Sau vài tuần nói chuyện vui vẻ, người này rủ chị tham gia đầu tư tiền điện tử BTC. Ba đợt đầu, chị đầu tư 15-130 triệu đồng, và được rút cả tiền gốc lẫn lãi, lần nhận lãi cao nhất 150 triệu đồng.
Thấy mình may mắn kiếm được số tiền lớn, chị từng dừng lại không muốn đầu tư nữa. Nhưng "người tình qua mạng" liên tục nhắn tin tâm sự, nói lời mùi mẫn, khuyên nên đầu tư mức VIP để lấy hoa hồng cao hơn, có tiền lo cho tương lai. Anh ta nói chị chỉ cần nộp mức 800 triệu đồng, một nửa còn lại sẽ hỗ trợ.
Bị "rót mật vào tai", chị nộp thêm 130 triệu đồng, song lần này không thể rút tiền lãi nữa. Hệ thống báo lỗi, cần đóng tiền khắc phục để rút. Cứ thế chị nộp lên đến 500 triệu đồng mới nhận ra mình đã bị lừa. Liên lạc với "người yêu" thì tài khoản đã khóa.
"Đó là số tiền tôi tích góp nhiều năm, rất hoang mang", nạn nhân nói. Chị khuyên mọi người cẩn thận với mọi lời mời chào đầu tư qua mạng, bởi đó chỉ là "miếng phô mai trong bẫy chuột".

Các nghi phạm trong đường dây lừa đảo lúc bị bắt giữ. Ảnh: Đức Quang
'Thả con săn sắt, bắt con cá rô' từ việc xem video TikTok
Nghi phạm Hoàng Hồng Nhung, trợ lý hướng dẫn làm nhiệm vụ TikTok, khai ban đầu sẽ rủ khách hàng làm nhiệm vụ xem video, nội dung là các hình ảnh giày dép và các nhãn hàng nổi tiếng. Xem xong một video sẽ được nhận 6.000 đồng. Sau vài ngày "thả" cho khách kiếm tiền, Nhung sẽ bảo với họ "có cách khác kiếm tiền lời cao hơn, đó là đầu tư vào sàn thương mại điện tử".
Nhóm này tạo một trang web gần giống với giao diện của TikTok Shop, đăng các gói sản phẩm ảo như khẩu trang, đồ ăn nhanh... để khách đóng tiền đầu tư. Nạp vào sàn từ 150.000 đồng đến một triệu đồng, thu lợi 15-20%. Lần đầu tư thứ nhất và thứ hai, chúng sẽ "thả" để khách nhận lãi, tiếp đó nhắn tin thuyết phục họ chọn gói cao hơn, từ 10-25 triệu đồng cho "đỡ mất công, vì đằng nào cũng sẽ thắng lớn".
Đến giai đoạn này, khi khách hàng đầu tư 40-50 triệu đồng, quản lý sẽ đề nghị đội kỹ thuật của công ty làm lỗi tài khoản, sau đó cử người liên hệ bảo nạp thêm tiền để "sửa lỗi hệ thống". Khắc phục xong, chúng lại bịa ra các lý do như cần nạp tiền để đóng thuế sản phẩm, trả thêm phí cho đơn vị vận chuyển... Nạn nhân vì muốn lấy lại tiền nên buộc phải làm theo. Nhóm lừa đảo cứ thế bòn rút cho đến khi nào bị hại không còn nạp tiền nữa mới thôi.
Nhung thừa nhận khi vào công ty đã biết đây là tổ chức lừa đảo, xin nghỉ nhưng không được chấp thuận vì chưa làm đủ chỉ tiêu. Nhiều người cũng muốn về nước, nhưng vì số tiền phạt đưa ra quá cao, hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, nên đành phải ở lại, chấp nhận công việc trái lương tâm.
'Giết khách'
Theo nghi phạm Bùi Quang Huy, đường dây có một bộ phận gọi là "giết khách" - tức lúc khách hàng dừng đầu tư thì xem xét loại họ. Nhân viên nhóm này được gọi là "thầy giết".
Chúng có trách nhiệm hướng dẫn khách hàng nạp tiền đầu tư lên các sàn, khi thấy họ hết khả năng thì báo cáo quản lý đánh giá, theo dõi. Thấy trường hợp nào hết kiên nhẫn ở lại để gỡ gạc tiền sẽ chỉ định xóa khỏi nhóm, chặn liên lạc. Cảm thấy ai đó vẫn còn phân vân thì để lại theo dõi thêm.
Khoảnh khắc nhóm lừa đảo hàng trăm tỷ đồng bị bắt giữ ở sân bay. Video: Đức Quang - Đức Hùng - Mạnh Nam
Nhận tố cáo của các nạn nhân, Công tỉnh Hà Tĩnh cử cán bộ vào cuộc điều tra trong nhiều tháng để thu thập chứng cứ. Cuối năm 2024 và giữa tháng 1 năm nay, nhà chức trách Việt Nam phối hợp cảnh sát Campuchia đột kích hang ổ của nhóm lừa đảo tại thủ đô Phnom Penh, bắt 30 người.
26 nghi phạm còn lại bị bắt tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, khi đang nhập cảnh vào Việt Nam.
Đức Hùng - Đức Quang